Chen lấn nơi công cộng, biết sai vẫn cố tình làm

(Baohatinh.vn) - Chen lấn, giành lượt nơi công cộng từ lâu đã trở thành vấn đề gây bức xúc cho nhiều người. Hành vi đó thể hiện “phông văn hóa” của cá nhân. Và, vô hình trung, nó cũng tác động tiêu cực đến giáo dục con cái.

Chen lấn, xô đẩy tại các lễ hội là tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương. Ảnh Internet.

Dù đã được đề cập rất nhiều trên các diễn đàn xã hội và các phương tiện truyền thông nhưng lâu nay, tình trạng chen lấn, xô đẩy và giành lượt ở một số điểm công cộng vẫn xẩy ra, gây bức xúc cho nhiều người.

Chị T.T.H ở phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Việc chen lấn, xô đẩy tuy lâu nay không còn phổ biến như trước nữa nhưng thỉnh thoảng, trong một số tình huống, vẫn có những người hành xử kém văn minh khiến những người xung quanh hết sức bất bình. Thậm chí, có lần tôi còn thấy trong khi làm lễ ở đền, chùa, vì muốn được xếp thứ tự trước, nhiều người còn cho người giúp lễ tiền để được làm trước. Và tất nhiên, người giúp lễ cũng hợp tác. Ở chốn linh thiêng mà còn hành xử như thế thì thử hỏi, điều họ cầu mong có được thỏa nguyện hay không?”.

Người dân xếp hàng, chờ đợi để rút tiền ở cây ATM là một trong những hình ảnh đẹp cần nhân rộng.

Tại nhiều điểm công cộng, để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, các cơ sở thường bố trí người hướng dẫn, sắp xếp. Tuy nhiên, một số người khi bị nhắc nhở còn tỏ ra bức xúc, thách thức nhân viên hướng dẫn.

Anh T.V.H - nhân viên một điểm du lịch cho biết: “Trong mùa cao điểm, quầy bán vé rất đông, vì thế, chúng tôi phải hướng dẫn khách xếp hàng và mua vé theo thứ tự. Tuy nhiên, nhiều người lại chẳng tuân thủ mà cứ chờ có cơ hội là lấn lên giành lượt. Khi chúng tôi nhắc nhở thì họ còn nổi nóng, quát tháo. Thậm chí khi những người xếp hàng phản đối thì họ cũng sẵn sàng gây hấn. Vẫn biết, khách hàng là thượng đế nhưng nhiều khi, với những khách hàng như thế, chúng tôi cũng buộc phải thẳng tay”.

Chị N.H.H - nhân viên một siêu thị cho biết: “Vào cuối tuần, thường quầy thanh toán rất đông, hầu hết khách hàng đều tự xếp hàng đến lượt mình. Tuy nhiên, có nhiều khi chúng tôi rất khó xử khi lâu lâu lại có một vài người chen lên xin thanh toán trước với lý do ít hàng. Chúng tôi không có quyền cho thanh toán và nhiều khách hàng cũng tỏ ra bực bội vì những người như thế”.

NHân viên ở siêu thị nhiều lúc khó xử khi có một vài người chen lên xin thanh toán trước với lý do ít hàng.

Tình trạng chen lấn, xô đẩy do nhiều nguyên nhân, trong đó, sự hạn chế về nhận thức, lối sống chưa chuẩn mực của một bộ phận người dân và tác động mặt trái của cơ chế thị trường... là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, việc giáo dục, tuyên truyền về văn hóa xếp hàng chưa được chú trọng cũng dẫn đến tình trạng đó. Hơn nữa, hiện nay, chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với hành vi gây mất trật tự.

Hiện nay, biện pháp phổ biến nhất là chính những người cùng đang xếp hàng lên tiếng, yêu cầu xếp hàng theo thứ tự nhưng số người này rất hiếm. Đa số người dân thường chọn cách im lặng, mặc kệ, coi như không phải việc của mình. Cứ như thế hành vi xấu này cứ lặp đi lặp lại, diễn ra ở nhiều nơi.

Chen lấn, xô đẩy giành lượt nơi công cộng là hành vi thiếu văn minh. Nhiều người tuy ý thức được điều đó nhưng đôi khi vì lý do này, lý do kia, vẫn cố tình làm sai. Và, nguy hại hơn là lắm khi họ hành xử như thế trước mặt con trẻ. Điều đó gây tác hại rất lớn trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Chính vì thế, để giữ gìn trật tự và đảm bảo quyền lợi chung của tất cả mọi người, hình thành nét văn hóa xếp hàng cho xã hội, thì các cơ sở bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, bố trí nhân viên hướng dẫn, cần có chế tài để xử lý những hành vi chen lấn nơi công cộng.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói