Cần sớm nâng cấp đoạn đê đất ngăn mặn ở xã Kỳ Ninh

(Baohatinh.vn) - Đoạn đê đất ngăn mặn ở xã Kỳ Ninh, TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gây bất an và nguy hiểm cho người dân, cần sớm được đầu tư nâng cấp.

bqbht_br_dsc-2736-copy.jpg
Đoạn đê đất ngăn mặn qua xã Kỳ Ninh đã bị xuống cấp, bào mòn, có những đoạn chỉ cao hơn mặt ruộng 10 cm, cao hơn mực nước sông 30 cm (Trong ảnh: Đoạn đê qua thôn Tân Thành).

Đoạn đê ngăn mặn chạy qua các thôn Tân Thắng, Vĩnh Thuận và Tân Thành của xã Kỳ Ninh (TX. Kỳ Anh) thuộc tuyến đê Khang Ninh (xã Kỳ Khang - huyện Kỳ Anh, xã Kỳ Ninh - TX. Kỳ Anh) có chiều dài khoảng 5 km, chạy dọc theo sông Vịnh (hoặc tên khác là sông Quyền). Theo phản ánh của người dân trong vùng, đoạn đê đất có vai trò khá quan trọng này được người dân đắp cách đây hàng chục năm (có những đoạn đắp từ năm 1982) nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư kiên cố. Việc duy tu, nâng cấp hằng năm đối với đoạn đê đã bị “lão hóa” này được thực hiện chắp vá, tạm bợ nên ngày một xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng, không phát huy được công năng.

bqbht_br_dsc-2724-copy.jpg
Đồng ruộng thôn Tân Thành sản xuất không đảm bảo thời vụ, hiệu quả không cao vì đê không đảm bảo, thường xuyên bị nước mặn xâm nhập.

Bà Lê Thị Tuyết ở thôn Tân Thành (xã Kỳ Ninh) phản ánh: “Gia đình tôi có 7 sào ruộng, trong đó có 4 sào ở sát khu vực đê Khang Ninh canh tác không hiệu quả. Chúng tôi cũng như 120 hộ dân trong thôn có đất nông nghiệp ở khu vực này đều rất vất vả, khổ cực trong sản xuất. Vì tuyến đê đã bị sạt lở, bào mòn nên cứ mỗi lần mưa lụt, triều cường là nước lại tràn vào ruộng khiến lúa và hoa màu bị chết, thậm chí có những vụ bà con chúng tôi phải cấy đi cấy lại 3 – 4 lần mà cuối vụ vẫn không có thu hoạch. Rất mong các cấp, ngành sớm kiểm tra, khảo sát để nâng cấp đoạn đê này”.

bqbht_br_2.jpg
Bà Lê Thị Tuyết (thôn Tân Thành) phản ánh với phóng viên Báo Hà Tĩnh về tình trạng đê xuống cấp, sạt lở khiến nước mặn xâm nhập đồng ruộng.

Cũng theo bà Lê Thị Tuyết, hàng chục năm nay, tuyến đê đất chạy qua vùng đồng của thôn chủ yếu do người dân tự đắp thông qua các đợt ra quân làm giao thông thủy lợi nội đồng hàng năm hoặc những người có ruộng ở khu vực này tự bỏ công đào đắp các chỗ sạt lở nhỏ. Do đó, thiếu tính toán khoa học, khắc phục chắp vá, chất lượng đê không tốt, thân đê nhỏ nên cứ sau mỗi trận mưa lũ, triều cường là nước tràn vào ruộng. Sau khi nước rút, đê lại bị nước cuốn trôi như không hề tồn tại và hiện nay một số đoạn thân đê chỉ giống như đường bờ thửa bao quanh ruộng.

Ở sát tuyến đê đất này, ông Trần Văn Thảnh (thôn Tân Thắng, xã Kỳ Ninh) luôn trong trạng thái bất an, bức xúc vì trong các mùa mưa lũ nước mặn thường xuyên tràn qua đê gây ngập 2 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, nhà cửa, vườn tược và cây cối hư hỏng. Vụ nuôi mới nhất là cách đây hơn 1 tháng, khi đó do ảnh hưởng của mưa bão, nước từ thượng nguồn sông Vịnh đổ xuống cửa biển, kết hợp triều cường ngoài biển dâng khiến bờ đê bị ngập từ 1 – 1,5m. Sự cố này dẫn đến gần 5 tạ cá đối, cá trô loại trọng lượng 1 – 1,5 kg/con trong ao nuôi nhà ông Thảnh trôi hết ra sông.

bqbht_br_dsc-2791-copy.jpg
Ông Trần Văn Thảnh phản ánh: Đê thấp, yếu nên cách đây hơn 1 tháng, nước sông đã dâng cao hơn mặt đê 1 - 1,5m, khiến nhà cửa, vườn tược bị ngập và cá trong hồ trôi ra sông.

Đi thực tế một số vị trí trên đoạn đê dài gần 5 km có thể thấy, phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác. Theo đó, trên đoạn đê đất này có khoảng 400m tiếp giáp với đoạn đã được kiên cố hóa hướng từ cửa biển vào đất liền (giao nhau tại km 5+092, ở thôn Tân Thắng) là nơi được xem là kiên cố nhất nhưng bằng mắt thường vẫn dễ dàng nhận ra thân đê nhỏ hơn đoạn đã được nâng cấp khoảng 2m, mặt đê thấp hơn đoạn đã được nâng cấp gần 1m. Ở vị trí thấp nhất (thuộc cánh đồng thôn Tân Thành) thì chỉ cao hơn mặt ruộng khoảng 10 – 20 cm và cao hơn mực nước sông thời điểm chúng tôi có mặt khoảng 20 - 30 cm.

Ở những nơi khác đều chung tình trạng thân đê xói mòn, thấp nhỏ, có nhiều vị trí bị sạt, người dân vừa tự khắc phục tạm bợ…

bqbht_br_dsc-2792-copy.jpg
Một số vị trí bị sạt lở nhỏ mới được người dân tự khắc phục, nhưng sau vài đợt mưa thì đất lại bị cuốn trôi.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đoạn đê đất dài gần 5 km này có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ 83 ha đất sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là lúa), trong đó thôn Vĩnh Thuận 37 ha, thôn Tân Thành có 26 ha, thôn Tân Thắng 20 ha.

Quanh khu vực đê còn có khoảng 75 ha đất nuôi trồng thủy sản, trong đó thôn Tân Thắng 29 ha, thôn Vĩnh Thuận gần 46 ha. Các khu dân cư đông đúc, trù phú với hàng nghìn cư dân cũng đang sinh sống cách đê từ 200 – 500m. Vì vậy, tình trạng đê xuống cấp trong bối cảnh diễn biến khí hậu khó lường đang khiến người dân trong vùng và những người trong cuộc bất an, lo lắng.

bqbht_br_dsc-2798-copy.jpg
Đê điều không an toàn nên nhiều điểm ven sông có nguy cơ ngập lụt cao.

Ông Hoàng Trung Thông – Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) cho biết: “Tình trạng đê ngăn mặn xuống cấp đang gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, an toàn tài sản và tính mạng của người dân 3 thôn ven đê. Bà con đã nhiều lần phản lên chính quyền địa phương, qua các cuộc tiếp xúc cử tri và các diễn đàn làm việc khác của cấp trên. Ngoài ra, trước vấn đề nhức nhối này, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất các cấp, ngành nhưng đến nay mới chỉ có kiểm tra, đánh giá, khảo sát chứ đê vẫn nguyên hiện trạng, chưa được nâng cấp. Vì vậy, thời gian tới, ngoài việc động viên, hỗ trợ Nhân dân khắc phục tạm thời các sự cố nhỏ để đảm bảo sản xuất, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất với cấp trên để sớm kiên cố hóa đoạn đê này”.

Có thể nhận thấy, đoạn đê đất dài 5 km thuộc tuyến đê Khang Ninh (qua địa bàn xã Kỳ Ninh) đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất, sự an toàn của người dân trong vùng, nhất là vào các mùa mưa lụt. Thị xã Kỳ Anh, Sở NN&PTNT và các ngành chức năng cần tập trung vào cuộc để đánh giá, soát xét, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án, ưu tiên bố trí kinh phí sớm khắc phục tình trạng này.

Video: Người dân phản ánh tình trạng đê ngăn mặn xã Kỳ Ninh xuống cấp và các hệ lụy.

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.