Chi trả đền bù sự cố môi trường biển: Kịp thời, khách quan, đúng đối tượng!

(Baohatinh.vn) - Ròng rã gần 1 năm nay, cả chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh tích cực vào cuộc hỗ trợ ngư dân sau sự cố môi trường biển. Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường đã làm dịu đi những thiệt thòi, mất mát của người dân làng biển; được đông đảo ngư dân nhận xét là kịp thời, khách quan, đúng đối tượng.

Thuyền về, cá đầy khoang…

Từng chứng kiến cảnh những con tàu ngậm ngùi chia tay biển để nằm bờ, từng bến cảng buồn hiu hắt thi thoảng nghe được những tiếng thở dài của các lão ngư, hay chợ cá không còn tiếng lao xao mỗi sớm trong những ngày đầu biển gặp sự cố, thì nay, nếu có dịp được hòa vào nhịp sống của ngư dân từ Bến Thủy đến Đèo Ngang thì chắc hẳn bức tranh đượm buồn ấy không còn tồn tại nữa.

chi tra den bu su co moi truong bien kip thoi khach quan dung doi tuong

Tàu thuyền cập bến với nhiều sản vật biển có giá trị.

Bến cảng sớm mai đã tấp nập giao thương, thuyền về ăm ắp những mẻ cá trích, bạc má… được tiểu thương nhanh tay lựa chọn; những âm thanh đặc trưng của chợ cá được dệt nên bởi tiếng cười giòn của các lão ngư khi trúng đậm mẻ cá lớn, của tiểu thương khi chọn được mối hàng ngon và cả của các mẹ, các chị khi mua được cân mực, cân tôm tươi ngon “cải thiện” bữa cơm gia đình…

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, hiện nay, các hoạt động nuôi trồng, khai thác, kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn đã cơ bản trở lại bình thường. Số tàu khai thác ven bờ công suất dưới 90 CV hoặc không lắp máy hoạt động đạt tỷ lệ 70-80%, tàu công suất trên 90 CV từ 85-90%. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên 4.500 tấn hải sản đã cơ bản được thu mua hết và tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản cũng có bước phát triển đáng mừng khi diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ cuối năm 2016 đạt 100% kế hoạch với 2.777 ha; hiện nay, các địa phương đang tập trung cải tạo ao hồ, chuẩn bị thả giống vụ nuôi năm 2017.

chi tra den bu su co moi truong bien kip thoi khach quan dung doi tuong

Giá cả ổn định lại nên ngư dân rất phấn khởi xa khởi

Ngoài sự nỗ lực vượt khó của bà con nhân dân, bức tranh phục hồi sản xuất không thể không kể đến động lực từ những chính sách, giải pháp hỗ trợ của các cấp chính quyền. Trong khi Trung ương gấp rút hỗ trợ gần 6.300 tấn gạo cho hơn 19.000 hộ dân, hỗ trợ 750 triệu đồng cho diện tích nuôi trồng bị thiệt hại, hỗ trợ hơn 27 tỷ đồng cho gần 5.900 tàu thuyền… thì Hà Tĩnh đã trực tiếp chi từ nguồn ngân sách địa phương gần 53 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ khắc phục sự cố cấp bách, đảm bảo an ninh trật tự…

Đặc biệt, tỉnh đã chủ động thực hiện một số chính sách riêng như hỗ trợ 100% phí mua hơn 2.800 thẻ BHYT, 2 năm học phí cho học sinh vùng bị ảnh hưởng, 125 triệu đồng thành lập 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn, hơn 560 triệu đồng tiền điện cho 35 cơ sở đông lạnh, 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho các tổ chức vay vốn để mua muối cho diêm dân…

Công tác bồi thường thiệt hại cũng được cả hệ thống chính trị huy động sức lực và trí lực để thực hiện. Được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, khoa học của các ngành, huyện, xã đến tận thôn xóm nên đến nay, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành công tác kê khai, bồi thường thiệt hại đợt 1. Theo đó, giá trị thiệt hại kê khai bước đầu là 1.591,77 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại của hải sản tồn kho), đã phê duyệt 1.091,59 tỷ đồng giá trị thiệt hại được bồi thường, hỗ trợ và chi trả được 1.022,8 tỷ đồng (còn 68,78 tỷ đồng chưa chi trả do một số vướng mắc).

chi tra den bu su co moi truong bien kip thoi khach quan dung doi tuong

Công tác chi trả đền bù sự cố môi trường biển được tiến hành kịp thời, khách quan, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Việc hướng dẫn, tư vấn giúp bà con sử dụng hợp lý nguồn tiền đền bù cũng được chính quyền quan tâm thực hiện. Nhiều ngư dân đã nhanh chóng đầu tư mua sắm ngư lưới cụ phát triển sản xuất. Ngư dân Nguyễn Văn Hướng (Kỳ Xuân, Kỳ Anh) cho biết: “Mặc dù sự cố môi trường xảy ra rất nặng nề nhưng tôi thấy Nhà nước đã rất quan tâm đến công tác bồi thường. Tôi vừa nhận được 90 triệu đồng nên đang sửa sang lại tàu bè, hết khoảng 35 triệu đồng, số còn lại sẽ mua sắm thêm ngư lưới cụ”.

Hải sản tồn kho: Nỗ lực tìm phương án

Mặc dù đã cơ bản hoàn thành đợt 1, nhưng hiện nay, khối lượng công việc tồn đọng tập trung ở một số nhóm vấn đề khá nan giải như: Khó khăn trong chi trả tiền cho các đối tượng đang đi lao động nước ngoài, hồ sơ đối với nhóm nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hỗ trợ, bồi thường hải sản tại các kho đông.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tại cuộc họp với BCĐ 182 về phục hồi, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự sau sự cố môi trường biển ngày 28/3, hiện có gần 1.500 tấn hải sản tồn kho đủ điều kiện để thẩm định thiệt hại (ước kinh phí bồi thường hơn 29 tỷ đồng); số đối tượng chưa đủ điều kiện thẩm định thiệt hại gần 2.560 tấn (ước tính nếu được bồi thường, hỗ trợ gần 83 tỷ đồng).

chi tra den bu su co moi truong bien kip thoi khach quan dung doi tuong

Biển an toàn, các kho cấp đông hoạt động trở lại

“Việc xác định thiệt hại và bồi thường, xử lý hải sản tồn kho là nội dung tồn đọng kéo dài nhưng gặp nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai. Theo đó, hoạt động thu mua hải sản của các hộ dân được quản lý chủ yếu bằng kinh nghiệm, không có hóa đơn, không có sổ sách ghi chép hoặc có ghi chép nhưng không rõ ràng, không theo mẫu và biểu chung, không có ký xác nhận của người bán và người mua trong khi đây là những chứng từ gốc làm căn cứ lập bảng kê 01/TNDN theo quy định. Đồng thời, để bổ sung bảng kê số 01/TNDN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính cũng không phải dễ bởi không đủ thông tin về người bán do một số chủ tàu ở xa không liên lạc được…” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt (thành viên BCĐ 182) phân tích.

Theo tìm hiểu, phần lớn các vướng mắc nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương. Mặc dù UBND tỉnh đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị, đề xuất tại các cuộc họp của Chính phủ, các cuộc làm việc của các đoàn công tác của Trung ương cũng như đã chủ động đăng ký và trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan nhưng đến nay, hầu hết các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tại nhiều diễn đàn, vấn đề giải quyết vướng mắc, kịp thời chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ hải sản tại các kho đông luôn được đưa ra bàn thảo, tìm cách giải quyết. Hiện nay, UBND tỉnh đang phối hợp chặt chẽ, bổ sung các báo cáo chi tiết và kiến nghị, đề xuất với Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan kịp thời có hướng giải quyết.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị để trao tiền bồi thường đến đúng đối tượng, khôi phục sản xuất đến nay đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy không thể tránh khỏi những vướng mắc phát sinh nhưng với sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, thấu hiểu, toàn thể chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh sẽ từng bước hóa giải khó khăn…

Chủ đề 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.