Bác Hồ “lẩy Kiều” giới thiệu văn hoá Việt với thế giới

(Baohatinh.vn) - Bác Hồ là người đầu tiên và rất thành công trong việc “lẩy Kiều”, “tập Kiều”, “phỏng Kiều” để tiếp đón, chào mừng, đưa tiễn các nguyên thủ quốc gia, khách quốc tế.

Bác Hồ “lẩy Kiều” giới thiệu văn hoá Việt với thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Xu-các-nô tại Hà Nội (tháng 6/1959). Ảnh tư liệu

Sau hơn nửa thế kỷ, bây giờ đọc lại vẫn thấy phù hợp và đầy ý nghĩa. Đó là tầm nhìn xa trông rộng ở một người hội tụ được tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây.

Bác vận dụng Kiều để chào mừng, đáp từ các vị khách quốc tế vừa đề cao giá trị nội dung, nghệ thuật của một kiệt tác văn học vừa khẳng định văn hóa đặc sắc của Việt Nam; quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế tác phẩm văn chương bất hủ, bách khoa thư của người Việt.

Theo thống kê của chúng tôi, từ năm 1957, khi tiếp Chủ tịch Xô viết - ngài K.E.Vôrôsilốp - và đến sau này, Bác Hồ có 9 lần “lẩy Kiều”, nhiều nhất là các năm 1957, 1963. Đó là chưa nói đến việc sử dụng Kiều trong các bài báo có tính chất quốc tế như: “Kiều bào yêu nước”, “Một tin tức lạ”, “Sẵn sàng giúp đỡ”...

Cho đến nay, khi nói đến “lẩy Kiều” của Bác, nhiều người vẫn luôn nhắc đến bài “nói chuyện tại cuộc mít tinh chào mừng Tổng thống Xu-các-nô” của nước Cộng hòa Indonesia vào năm 1959. Người nói: Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em.

Nhớ lại trong câu thơ Kiều chỉ nói cái riêng, nghĩa hẹp nhưng khi vận dụng vào bối cảnh này, Người đã nói được cái chung của hai dân tộc, chuyển tải được những nội dung hoàn toàn mới, thắm tình hữu nghị hai nước.

Ngày chia tay, trong “lời tiễn Tổng thống Xu-các-nô tại sân bay Gia Lâm”, Người đã 2 lần sử dụng “lẩy Kiều” với 6 câu thơ rất phù hợp và lý thú! Người nói: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Trông mòn con mắt phương trời đăm đăm! Rồi nhắc đến tình cảm lưu luyến của Nhân dân Việt Nam với Tổng thống Xu-các-nô: Nhớ nhung trong lúc chia tay/ Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo người/ Người về Tổ quốc xa khơi/ Chúc người thắng lợi, chúc người bình an thật trọn vẹn nghĩa tình!

Trong “Lời phát biểu đón tiếp đồng chí Nô-vốt-ny, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc vào năm 1963, Bác cũng đã vận dụng Kiều: Trải bao tháng đợi, năm chờ/ Chờ người khách quý bao giờ đến thăm. Và khi được gặp gỡ thì Xuân này, xuân lại thêm xuân/ Nước non xa, anh em gần, vui thật là vui đã diễn tả được tình cảm chân thành khi gặp khách quý.

Bác Hồ “lẩy Kiều” giới thiệu văn hoá Việt với thế giới

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Quốc vương Lào Sisavang Vatthana tại Hà Nội ngày 10/3/1963. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Trong mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, năm 1963, khi tiếp đoàn đại biểu cấp cao của Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc mấy vần thơ tâm huyết: Bấy lâu cách trở quan hà/ Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau/ Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Đó là sự khẳng định, lời căn dặn, mong ước và thông điệp cho mai sau.

Năm 1963, trong lời chào mừng đồng chí Lưu Thiếu Kỳ - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác đã nói luôn hai câu Kiều: Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai. Tiếp đến, Bác khẳng định: Mối tình thắm thiết Việt - Hoa/ Vừa là đồng chí, vừa là anh em rất hợp người, hợp cảnh.

Rồi ngày lên đường, Bác đã vận dụng “lẩy Kiều” mới lý thú và ý nghĩa: Tiễn đưa, chẳng muốn chia tay/ Bạn về cố quốc nước mây nghìn trùng/ Cầm tay lòng lại dặn lòng/ Cùng nhau giương ngọn cờ hồng Mác - Lê. Có thể coi đây là một trong những bài “lẩy Kiều” thành công nhất và có sức lôi cuốn, hấp dẫn người nghe.

Bác Hồ “lẩy Kiều” giới thiệu văn hoá Việt với thế giới

Ngày nay, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã được nhân dân nhiều nước trên thế giới biết đến và yêu thích. Trong ảnh: Ngài Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cùng đoàn công tác đến tham quan Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh Ngọc Loan

Từ vận dụng 6 câu thơ Kiều ở các trường đoạn khác nhau (như câu thứ 3187: Thoắt thôi tay lại cầm tay/ Càng yêu vì nết, càng say vì tình lại về câu thứ 1787 Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà, sau đó trở lại câu thứ 1503: Cầm tay dài ngắn thở than/ Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời đã nói lên tất cả nỗi niềm của người trong cuộc.

Và từ câu thơ tưởng như rất riêng ấy đã dặn dò, nói được cái chung để cùng quyết tâm phấn đấu. Phải là người thực sự am hiểu sâu sắc nội dung, câu chữ trong từng trường đoạn của 3254 câu thơ của Truyện Kiều thì mới vận dụng được một cách tuyệt vời như vậy!

Cách “lẩy Kiều” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại không khí văn chương gần gũi, thân mật, thú vị, tăng hiệu quả ngoại giao. Việc “lẩy Kiều”, “tập Kiều”, “phỏng Kiều” trong tiếp đón các nguyên thủ quốc gia, các vị khách quốc tế của Người vừa kế thừa, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, vừa thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề 255 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast