Nguyễn Du và Truyện Kiều - tài sản tinh thần vô giá của dân tộc

(Baohatinh.vn) - Đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Du (1765 - 1820) là một tác gia lớn, với một sự nghiệp viết không thực đồ sộ nhưng có giá trị kết tinh rất cao.

Nguyễn Du và Truyện Kiều - tài sản tinh thần vô giá của dân tộc

Du khách tham quan độc bản Truyện Kiều trưng bày tại Khu lưu niệm Nguyễn Du. Ảnh: Đậu Hà

Trước hết đó là 3 tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam Trung tạp ngâm (34 bài), Bắc hành tạp lục (131 bài) in đậm bản sắc và bản lĩnh cá nhân của một hồn thơ rất giàu tình thương đời, tình yêu nước và yêu dân. Cùng với thơ chữ Hán là thơ Nôm, với Văn tế thập loại chúng sinh, Thác lời trai phường nón và Sinh tế Trường Lưu nhị nữ…

Nếu chỉ bấy nhiêu thôi, Nguyễn Du cũng đã đủ tư cách một tác gia tiêu biểu, ở hàng đầu của văn chương Việt trung đại như nhiều tên tuổi khác trước và sau ông. Thế nhưng, Nguyễn Du còn là tác giả của Truyện Kiều và đây mới thực là một sự kiện làm thay đổi tầm vóc, khiến cho Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt.

Với tầm vóc đó, rất dễ dàng và nhanh chóng, không chỉ công chúng Việt mà về sau là cả nhân loại nhận ra ngay một tương đồng giữa Nguyễn Du với nhiều danh nhân khác trên thế giới. Có nghĩa là, Truyện Kiều là kết quả một thăng hoa đột xuất của Nguyễn Du, khiến cho chỉ cần nói đến Truyện Kiều là đủ để nói Nguyễn Du - người đã đem lại một giá trị tinh thần rất tươi mới và đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, hồn Việt…

Truyện Kiều có sức sống bền vững như thế nào thì đã có một lịch sử ngót 200 năm minh chứng với bao nhiêu bộ tuyển, hàng nghìn trang bình và luận do hàng trăm tác giả thành danh viết ra, nếu tính từ bài viết đầu tiên, năm 1820 - năm Nguyễn Du qua đời, của Mộng Liên Đường chủ nhân: “… nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”.

Nguyễn Du và Truyện Kiều - tài sản tinh thần vô giá của dân tộc

Trên dưới 35 văn bản dịch Truyện Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua và vẫn đang được tiếp tục - đó là đường biên rộng nhất cho sức lan tỏa của một tác phẩm. Ảnh Internet

200 năm, không lúc nào Nhân dân ta ngừng nghỉ việc đọc Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, xướng họa về Kiều, dựng sân khấu Kiều..., qua đó tạo nên một văn hóa Kiều rất độc đáo trong gương mặt văn chương Việt, văn hóa Việt.

3254 câu Kiều, đó là bộ bách khoa thư của đời sống Việt trong hơn 200 năm qua. 3254 câu, câu nào cũng có thể in sâu vào bộ nhớ con người, để cho những bà mẹ không biết chữ có thể thuộc lòng hàng trăm câu, hoặc đọc ngược từng đoạn mà vận vào mọi tình huống sống của đời mình; để cùng với ca dao, dân ca khắp các vùng miền mà tạo nên hồn cốt Việt, tâm linh Việt, bản sắc Việt, bản lĩnh Việt…

Như vậy, nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với một tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để nói về đóng góp của Nguyễn Du và giá trị của kiệt tác Truyện Kiều.

Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa tới đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của ngôn ngữ Việt, của tiếng Việt. Một tiếng Việt đến từ các truyền thuyết giữ nước và dựng nước của cha ông từ chiều sâu bốn nghìn năm lịch sử, nhờ đó mà lưu giữ được cho muôn đời sau truyện con Rồng cháu Tiên, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, các vua Hùng, nó là biểu trưng và kết tinh cho sự chống chọi với âm mưu xâm lược và đồng hóa của phương Bắc trong hàng nghìn năm.

Nguyễn Du và Truyện Kiều - tài sản tinh thần vô giá của dân tộc

1 bức thuộc bộ tranh Kiều trong đồ án tốt nghiệp Khoa Thiết kế đồ họa - Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội của nữ hoạ sỹ Phạm Đức Hạnh (SN 1997, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc).

Một tiếng Việt trong 254 bài của Quốc âm thi tập, có giá trị không thua Bình Ngô đại cáo của cùng một danh nhân Nguyễn Trãi, thế kỷ XV. Một tiếng Việt rất bác học và rất dân gian, rất cổ điển và rất hiện đại trong 3254 câu thơ Kiều, xứng danh là “thiên thu tuyệt diệu từ” (Phan Thạch Sơ), là một khúc “Nam âm tuyệt xướng” (Đào Nguyên Phổ);

3254 câu với 22.778 chữ gần như tất cả cứ mới mẻ, cứ nguyên vẹn, cứ tinh khôi như thế mà có ở khắp cửa miệng mọi người dân Việt suốt hơn 200 năm qua; mà in sâu vào bộ nhớ của bất cứ ai sinh ra trên dải đất mang hình chữ S này.

Một tiếng Việt của Truyện Kiều, của Nguyễn Du là một tiếng Việt dành cho muôn người, cho mọi nhà. Một tiếng Việt có nguồn cội từ nhiều nghìn năm, trong đó ở đỉnh cao, luôn cập được các bến bờ thời sự, đó là tiếng Việt của Nguyễn Du, được kết tinh trong Truyện Kiều, để, với Truyện Kiều, nói như học giả Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Hoặc nhà thơ Chế Lan Viên: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Để thấy Truyện Kiều là truyện cho muôn người, cho mọi nhà và cho mọi thời. Rất hiện đại, rất đương thời mà vẫn trong khuôn hình cổ điển. Rất cổ điển mà vẫn có sức vượt thời gian để đến với thời hiện đại, với con người hiện nay, người bây giờ.

Đó là một Nguyễn Du vĩnh cửu cho người đọc, không chỉ ở thời điểm 1965 hoặc 2015 - nhân kỷ niệm 200 năm và 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, hoặc 2020 - kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào. Cũng không phải 300 năm sắp tới như câu hỏi “bất tri tam bách…” của Nguyễn Du, mà là nghìn năm - “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du”, như khẳng định của Tố Hữu.

Nguyễn Du và Truyện Kiều - tài sản tinh thần vô giá của dân tộc

Hình tượng các nhân vật Truyện Kiều trên sân khấu múa trong vở diễn “Bale Kiều”. Ảnh Intrernet

Năm 2020 là thời điểm, là cơ hội cho tất cả chúng ta - những công dân Việt tiếp tục mở rộng và đi sâu vào các giá trị tinh thần gần như vô tận mà Nguyễn Du và Truyện Kiều đã để lại. Đó sẽ là các công trình khoa học nhằm tiếp tục phát hiện các giá trị mới ở Nguyễn Du trong tương ứng với thời đại và trên các cách tiếp cận mới của các giới học giả hàng đầu của dân tộc.

Là sự mở rộng các phương thức quảng bá giá trị Truyện Kiều trên tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại như: âm nhạc, hội họa, sân khấu, múa, múa rối, ba lê, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình…

Là các phương thức đưa Truyện Kiều và Nguyễn Du vào tất cả các bậc học của nền giáo dục phổ thông và đại học bằng những bài giảng, những cuộc thi, những giải thưởng; bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho những tấm gương trẻ em hiếu học trên mọi miền đất nước.

Rộng ra, vào bất cứ lúc nào, việc khai thác và phổ cập các tri thức đầy đủ, mới mẻ gắn với niềm tự hào về những gì liên quan đến Nguyễn Du như là một tài sản tinh thần vô giá của dân tộc.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh là điểm trọng yếu trên tuyến chi viện miền Nam, hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, những con đường huyền thoại năm xưa vẫn tràn đầy sức sống, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà.
Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tọa độ lửa như núi Nài, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130… của Hà Tĩnh đã cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
 Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Với lịch sử 1020 năm phát triển, các thế hệ người dân Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã chinh phục thiên nhiên, chung lưng đấu cật, gắn bó đoàn kết, xây dựng mảnh đất này ngày càng phát triển, trở thành vùng quê giàu bản sắc văn hóa, có nhiều người đỗ đạt khoa bảng.
Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường
Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.