>> Ngư dân Hà Tĩnh tìm thấy phi công bị nạn trên chiếc Su-30MK2
Sau nhiều lần liên lạc, hơn 21h tối qua (15/6), chúng tôi mới gặp được anh Phạm Văn Lệ trên chiếc tàu số hiệu HT 20219 TS có công suất 40 CV đang neo đậu tại bến cá Thạch Kim.
Ngư dân Phạm Văn Lệ kể lại quá trình cứu phi công Nguyễn Hữu Cường với PV Báo Hà Tĩnh
Ăn vội bát phở, anh Lệ kể lại thời điểm cứu sống Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường khi đang lênh đênh trên biển: Lúc đó, khoảng 4 giờ sáng ngày 15/6, sau 4 ngày đánh cá tại vùng biển Diễn Châu (Nghệ An) cách biển Cửa Sót chừng 56 hải lý, anh cùng 6 thuyền viên gồm: Trần Xuân Long (SN 1965), Nguyễn Văn Hoạt (SN 1964, Võ Ngọc Lâm (SN 1966), Nguyễn Văn Xuân (SN 1972), Lê Hồng Thái (SN 1962), Nguyễn Ngọc Dậu (SN 1954) thấm mệt và chìm vào giấc ngủ. Nằm trên mạn tàu, đang mơ màng thì anh Lệ bỗng nghe tiếng kêu “thuyền ơi… thuyền ơi… cứu với”.
Trời tối đen như mực, gió biển mạnh cấp 7 – 8 nên anh chỉ nghe tiếng được, tiếng mất. Sau, tiếng kêu cứu lớn dần, anh phát hiện thấy ánh sáng màu xanh liền gọi anh em thuyền viên dọi đèn và phát hiện một vật đen cách tàu chừng 30 m đang trôi ngược về phía tàu.
Lập tức, anh cho tàu chạy về hướng kêu cứu và phát hiện một người đang nằm trên phao hơi nhưng trong tình trạng mệt mỏi. Anh liền tiếp cận cùng với anh em thuyền viên kéo người bị nạn lên tàu.
Thấy người bị nạn mệt mỏi, quần áo ướt sũng lại bị bỏng ở tay và cổ nên ai cũng cảm thương vội thay quần áo, đưa sâm, sữa cho uống. Sau khi nghe kể lại, anh và các thuyền viên mới biết đó là Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường một trong hai phi công trên tiêm kích Su 30MK2 gặp nạn vào lúc 7h30 sáng ngày 14/6.
Sau khi mượn điện thoại ngư dân gọi về thông báo với gia đình may mắn thoát chết khi được tàu anh Lệ cứu sống, anh Cường mới kể lại quá trình gặp nạn của mình và đồng đội.
Anh Lệ trên chiếc thuyền cứu sống thiếu tá Cường
Tiêm kích Su 30MK2 đang bay huấn luyện thì động cơ gặp trục trặc rồi lộn nhiều vòng trên không. Thiếu tá Cường và Thượng tá Trần Quang Khải buộc phải bung dù nhảy xuống biển. Trong quá trình lênh đênh trên chiếc phao hơi, Thiếu tá Cường phát hiện nhiều tàu cá khai thác gần đấy và dùng súng bắn pháo hiệu nhiều lần nhưng không nổ, đến lần thứ 4, pháo hiệu nổ thì các tàu đã đi xa nên không phát hiện ra để cứu. Đến khoảng 11 – 12 h giờ đêm, Thiếu tá Cường lại phát hiện đèn chớp của tàu cá ngang qua và cũng bắn pháo hiệu nhưng vẫn không nổ cho đến khi may mắn gặp được tàu của anh Lệ…
Khi được cứu sống, trên phao hơi của Thiếu tá Cường có đầy đủ vật dụng cứu hộ như pháo hiệu, gương chiếu, đèn nhưng đều bị ướt, không sử dụng được. Ngoài ra, còn gần hai miếng lương khô và gần 2 lít nước ngọt được Thiếu tá Cường dự trữ cho khoảng 7 ngày tới.
Anh Lệ cho hay, rất may trước đó tàu của anh có ý định sang luồng khác để đánh bắt hải sản nhưng sau đó từ bỏ nên mới cứu sống được Thiếu tá Cường. Mặc dù chuyến hành trình đi biển của tàu anh Lệ còn tiếp tục đánh bắt cá 3 ngày nữa mới về nhưng sau khi cứu được phi công Nguyễn Hữu Cường, anh đã cho tàu quay lại và trở về đất liền.
“Còn gì hạnh phúc hơn khi chúng tôi cứu sống được người trong cơn hoạn nạn, tuyệt vọng…”, anh Lệ chia sẻ.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu