Chúng tôi lên đường để “chia lửa” với đồng nghiệp ở Bình Dương, hết dịch mới về!

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh cử 31 cán bộ y tế tình nguyện tham gia chi viện cho Bình Dương chống dịch COVID-19. Dẫu biết trước sẽ khó khăn, vất vả và nguy cơ lây nhiễm, tuy nhiên họ vẫn sẵn sàng lên đường với tinh thần “hết dịch mới về”.

Buổi gặp mặt đoàn cán bộ đi hỗ trợ tỉnh Bình Dương phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh chiều nay (25/7) diễn ra ấm áp và xúc động. Sáng ngày mai (26/7), 8 y bác sỹ của bệnh viện sẽ cùng với 23 cán bộ y tế trong toàn tỉnh tình nguyện lên đường để vào chi viện cho Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chúng tôi lên đường để “chia lửa” với đồng nghiệp ở Bình Dương, hết dịch mới về!

BVĐK tỉnh Hà Tĩnh gặp mặt 8 cán bộ y tế của bệnh viện trước khi lên đường vào Bình Dương.

Căn dặn các cán bộ trước khi lên đường, bác sỹ Hoàng Quang Trung - Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Ngay khi có chủ trương của UBND tỉnh cử cán bộ y tế vào hỗ trợ tỉnh Bình Dương, rất đông cán bộ y tế của bệnh viện tình nguyện lên đường trong đợt này.

Tuy nhiên, trước mắt, trong đợt này, bệnh viện chọn 8 cán bộ đi cùng với đoàn y tế của tỉnh vào Bình Dương. Các cán bộ lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần giúp đỡ họ cũng chính là giúp mình nên cần làm hết sức mình, phát huy tối đa năng lực chuyên môn để sẻ chia, hỗ trợ cho các đồng nghiệp nơi vùng dịch, thể hiện tinh thần, tình cảm của người dân Hà Tĩnh, ngành y tế Hà Tĩnh dành cho tỉnh bạn”.

Chúng tôi lên đường để “chia lửa” với đồng nghiệp ở Bình Dương, hết dịch mới về!

Ban Giám đốc BVĐK tỉnh tặng hoa động viên 8 cán bộ y tế.

Là người có tuổi đời trẻ nhất trong “đoàn quân” chi viện vào Bình Dương, bác sỹ Nguyễn Văn Huy (25 tuổi) - công tác tại Khoa Ngoại tiêu hóa (BVĐK tỉnh) có không ít những cảm xúc, tâm tư.

Huy chia sẻ: “Trong mấy ngày gần đây, diễn biến dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam thật sự là khủng khiếp khi số lượng tăng cả ngàn ca mỗi ngày. Ngay khi nhận được tin tỉnh có chủ trương cử cán bộ y tế vào chi viện cho các tỉnh phía Nam, em đã tình nguyện đăng ký ngay, với mong muốn góp được một chút sức mình để chia sẻ với các đồng nghiệp đang ngày đêm phải gồng mình để chống dịch. Em còn sức trẻ lại chưa vướng bận chuyện gia đình nên tin rằng sẽ làm được điều gì đó để hỗ trợ cho vùng dịch”.

Chúng tôi lên đường để “chia lửa” với đồng nghiệp ở Bình Dương, hết dịch mới về!

Bác sỹ Nguyễn Văn Huy chụp ảnh cùng với đồng nghiệp trước khi lên đường vào Bình Dương làm nhiệm vụ.

Điều dưỡng Nguyễn Quyết (BVĐK tỉnh) vừa từ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh trở về không lâu sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, song khi có chủ trương cử đoàn cán bộ y tế vào hỗ trợ Bình Dương, anh đã nhanh chóng đăng ký và thu xếp để lên đường.

“Bản thân gia đình tôi cả 2 vợ chồng cùng làm ngành y, thường xuyên trực và tham gia chống dịch; 2 con song sinh mới học hết lớp 1 phải tự bảo ban nhau khi bố mẹ đi làm nhiệm vụ. Thời gian vừa rồi, tôi tham gia chống dịch, vợ tôi phải lo lắng, cáng đáng mọi công việc. Giờ tiếp tục đăng ký lên đường cũng thương vợ, thương con, nhưng nghĩ đến cảnh hàng vạn đồng nghiệp của mình đang phải gồng mình nơi tâm dịch, cần được “chia lửa” nên không cho phép tôi chần chừ. Tôi tin rằng vợ cũng sẽ thấu hiểu” - điều dưỡng Quyết bộc bạch.

Trong đợt này, BVĐK thị xã Kỳ Anh cũng đã cử 5 cán bộ tham gia cùng đoàn chi viện, trong đó, có 1 bác sỹ, 3 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên xét nghiệm.

Bác sỹ Phan Thị Xuân Liễu - Giám đốc BVĐK thị xã Kỳ Anh cho biết: “Ngay khi có chủ trương của UBND tỉnh, Sở Y tế trong việc chi viện chống dịch tại tỉnh Bình Dương, Ban Giám đốc đã phát động trong toàn đơn vị và lấy tinh thần xung phong, tình nguyện của các cán bộ y tế. Đội ngũ cán bộ chi viện của bệnh viện đa phần còn trẻ, chuyên môn tốt, chưa vướng bận gia đình nên có thể tham gia hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch tại Bình Dương”.

Dù lo lắng khi lần đầu tiên đi xa trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại tỉnh bạn nhưng bác sỹ trẻ Phan Thị Phong - Khoa Nhi (BVĐK thị xã Kỳ Anh) vẫn tình nguyện tham gia đoàn công tác.

Chúng tôi lên đường để “chia lửa” với đồng nghiệp ở Bình Dương, hết dịch mới về!

Mẹ của bác sỹ Phan Thị Phong sắp xếp hành trang cho chị lên đường vào ngày mai (26/7).

Chia sẻ về quyết định của mình, bác sỹ Phong cho biết: “Lúc đầu khi biết tôi sẽ tham gia phòng, chống dịch tại Bình Dương, bố mẹ rất lo lắng, không muốn tôi đi. Tuy nhiên, sau đó mình làm công tác tư tưởng, động viên nên bố mẹ cũng hiểu và ủng hộ.

Khi nào Bình Dương hết dịch, không cần chi viện nữa tôi mới về. Mong rằng với chuyên môn và kinh nghiệm điều trị, chăm sóc bệnh nhân thời gian qua sẽ góp sức để chăm sóc tốt cho các bệnh nhân không may bị mắc COVID-19".

Chúng tôi lên đường để “chia lửa” với đồng nghiệp ở Bình Dương, hết dịch mới về!

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hương viết đơn tình nguyện lên đường vào Bình Dương chống dịch.

Còn điều dưỡng Nguyễn Thị Hương - Bệnh viện Phục Hồi chức năng Hà Tĩnh tâm sự: “Hàng ngày, nhận những thông tin về tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam mà thương cho các đồng nghiệp đang ngày đêm gồng mình chống dịch, thương những người bệnh nặng thiếu người chăm sóc. Vào trong đó đợt này, tôi mong rằng mình sẽ góp được một chút sức nhỏ sẻ chia với các đồng nghiệp”.

31 cán bộ y tế, mỗi người đều có những niềm riêng, những khó khăn, vất vả không thể nói bằng lời. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, họ đã gác lại phía sau để tình nguyện tham gia chi viện cho Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch, với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Chúng tôi lên đường để “chia lửa” với đồng nghiệp ở Bình Dương, hết dịch mới về!

Lãnh đạo Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tặng hoa động viện 3 cán bộ lên đường làm nhiệm vụ.

Thực hiện nhiệm vụ chi viện lần này, đoàn công tác có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương theo sự phân công, điều động của ngành y tế tỉnh bạn.

Với tinh thần quyết tâm “chia lửa” với các đồng nghiệp nơi tâm dịch, tin rằng với trình độ chuyên môn vững và kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Hà Tĩnh, các thành viên sẽ phát huy tinh thần, trách nhiệm cao nhất, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, các thành viên tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh.

Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.