Chuông chùa Rối của Hà Tĩnh được công nhận là bảo vật quốc gia

(Baohatinh.vn) - Theo Quyết định số 41/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành hôm nay (30/1), chuông chùa Rối của Hà Tĩnh cùng 26 hiện vật, nhóm hiện vật khác đã được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).

Video: Cận cảnh chiếc chuông cổ được Hà Tĩnh đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Chuông chùa Rối được phát hiện năm 1989, tại chùa Rối, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên; đúc bằng đồng từ thời Trần (Thế kỷ XIV), là hiện vật quý hiếm đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

Chuông chùa Rối của Hà Tĩnh được công nhận là bảo vật quốc gia

Chuông chùa Rối đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

Trên chuông có nhiều họa tiết, trang trí tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa thời Trần; thể hiện kỹ thuật đúc đồng đạt đến trình độ cao. Đặc biệt, trên chuông có khắc bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Phạm Sư Mạnh, nội dung ghi lại cảm xúc khi nhìn về đỉnh Hoành Sơn Quan, cũng như sự kiện liên quan đến việc vua Trần Duệ Tông thân chinh phương Nam.

Chuông chùa Rối của Hà Tĩnh được công nhận là bảo vật quốc gia

Chuông Chùa Rối hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hà Tĩnh (ảnh: Thiên Vỹ).

Theo Bảo tàng Hà Tĩnh, thân chuông chùa Rối dạng hình khối trụ tròn liền khối bằng đồng, miệng to và nhỏ khum thon dần về phía đỉnh; chia thành hai phần được giới hạn bởi 5 đường gờ nổi, đường gỡ nổi chính giữa to, cao hơn cả; phần trên cao 57cm chia thành 4 hình thang cân, đứng, bằng nhau; những ô hình thang cân, cạnh dưới to, cạnh trên nhỏ, hai cạnh bên bằng nhau; phần dưới cao 35cm, chia thành 4 ô hình chữ nhật nằm bằng nhau, hình chữ nhật nằm được giới hạn thông qua 5 đường gân nhỏ chạy dọc từ trên xuống dưới và chạy ngang bao quanh chuông.

Trên đỉnh chuông là 3 đường gân chạy bao quanh với khoảng cách đều nhau tạo thành những đường tròn đồng tâm.

Chuông chùa Rối của Hà Tĩnh được công nhận là bảo vật quốc gia

Quai chuông chùa Rối bằng đồng, hình con rồng có hoa văn tinh xảo (ảnh: Thiên Vỹ).

Chuông có 6 núm thỉnh chuông, hình dáng giống nhau, kích thước bằng nhau: 10cm, hình tròn hoa sen với 13 cánh sen lớn, lật úp, đều nhau, 13 cánh sen nhỏ cũng lật úp đều nhau, cánh to, cánh nhỏ bố trí xen kẽ nhau. Trong số các núm đó, có 2 núm được bố ở vị trí gần dưới miệng chuông, trên các đường gờ nổi, nằm đối xứng nhau qua tâm chuông, chia đường tròn phía dưới chuông thành hai cung tròn bằng nhau; ở đường tròn gờ nổi ở giữa chuông, bố trí 4 núm chuông ở khoảng cách đều nhau với hai cặp đối xứng nhau qua tâm chuông; ở phần miệng chuông được trang trí cầu kỳ với 86 cánh hoa sen lập úp, viền cánh sen có hai đường gờ nổi, trong số đó có 43 cánh to, 43 cánh nhỏ nằm xen kẻ nhau bao quanh vành miệng chuông.

Kích thước chuông cao 115cm (tính từ miệng chuông đến quai chuông), đường kính miệng 65cm, tỷ lệ giữa chiều cao và đường kính miệng 1,738.

Cụ thể, 27 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm:

1- Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê, niên đại: 800.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

2- Trống đồng Tiên Nội I, niên đại: Văn hoá Đông Sơn (khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

3- Trống đồng Kính Hoa II, niên đại: Thế kỷ II - I trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.

4- Thạp đồng Văn hoá Đông Sơn, niên đại: Cách ngày nay 2200 - 2300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

5- Thạp đồng Kính Hoa, niên đại: Thế kỷ III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.

6- Sưu tập đàn đá Bình Đa, niên đại: Từ 3000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.

7- Mukhalinga Ba Thê, niên đại: Thế kỷ VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.

8- Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, niên đại: Nửa sau thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Khu di tích Thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

9- Hai chiếc đĩa gốm men ngọc, niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

10- Đĩa gốm men lam tím; niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

11- Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

12- Bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi), niên đại: Năm Bính Ngọ (1366), niên hiệu Đại Trị thứ 9; hiện lưu giữ tại chùa Giàu, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

13- Bia đá chùa Tĩnh Lự, niên đại: Ngày 28 tháng Tám năm Mậu Tý (1648), niên hiệu Phúc Thái thứ 6; hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

14- Chuông chùa Rối, niên đại: Nửa cuối thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

15- Lư hương gốm hoa lam, niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

16- Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm, niên đại: Năm Kỷ Tỵ (1449), niên hiệu Thái Hoà thứ 7; hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm - Thượng Phúc tự, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

17- Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại: Thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

18- Sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ, niên đại: Thế kỷ XV - XVIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.

19- Bệ thờ đất nung đền An Xá, niên đại: Khoảng thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

20- Hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, niên đại: Thế kỷ XVI - XVII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.

21- Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

22- Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện được thờ tại chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

23- Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

24- Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi, niên đại: Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

25- Tượng An Dương Vương, niên đại: Ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1897); hiện được thờ tại Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

26- Tượng “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh”, niên đại: Năm 1946; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

27- Xe tăng T59 số hiệu 377, niên đại: Năm 1972; hiện lưu giữ tại Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.