Chuyện gây ngạc nhiên trong quán ăn

Sáng chủ nhật vừa rồi, tôi đến ăn sáng tại quán phở quen thuộc ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) và được chứng kiến câu chuyện đáng để học tập.

chuyen gay ngac nhien trong quan an

Thực khách vứt giấy đầy sàn nhà là cảnh thường thấy trong nhiều quán ăn - Ảnh: TRẦN THANH

Một đôi vợ chồng trẻ và con trai khoảng 5 tuổi từ ôtô bước vào quán phở. Khi người phục vụ bưng ba tô phở cùng đĩa rau thơm ra, người chồng hỏi mượn thêm một cái đĩa nhỏ. Nhân viên phục vụ và nhiều thực khách đều ngạc nhiên, tò mò với đề nghị này.

Và rồi khi chiếc đĩa nhỏ được nhân viên phục vụ mang đến, người vợ dùng đũa sạch gắp gần một nửa số rau thơm trong đĩa lớn sang đĩa nhỏ này để gửi trả lại quán với lý do chắc chắn không ăn hết và muốn quán tận dụng lượng rau còn lại.

Bắt đầu từ đó, hầu như những người đang có mặt tại quán phở đều dành sự chú ý đến gia đình này. Khi họ bắt đầu ăn, anh chồng chỉ lấy một miếng chanh lớn vắt thật kiệt nước vào ba tô phở, chứ không cần dùng đến miếng chanh tiếp theo.

Do ngồi ăn gần bàn với họ nên tôi thấy rõ cả ba tô phở đều được ăn hết cả cái lẫn nước. Khăn giấy trên bàn cho phép khách dùng thoải mái, nhưng họ chỉ lấy vừa đủ và tất cả rác sau đó đều được bỏ vào giỏ đựng rác dưới gầm bàn.

Lúc gia đình này ra về, tôi thấy người vợ và con trai cảm ơn nhân viên phục vụ, còn anh chồng tắt quạt treo trên tường rồi mới đi sau.

Chỉ có vậy, họ lặng lẽ đến ăn rồi lặng lẽ đi nhưng lại gây khá ngạc nhiên cho những người có mặt tại quán hôm ấy. Cách ứng xử giản dị, khiêm tốn và ý thức tiết kiệm cho chủ quán, tránh lãng phí cho xã hội của họ thật đáng quý.

Đặc biệt, với đứa con của họ, cháu đã sớm được học và thực hành văn hóa ứng xử để sau này lớn lên cũng sẽ là người tốt, biết quý trọng, giữ gìn tài sản cho cộng đồng.

Chợt nhớ đến những bữa tiệc mình từng tham gia mà tôi thấy ngượng. Mỗi bàn chỉ có 10 khách nhưng thức ăn bày lên ê hề, ai cũng biết chắc là không thể dùng hết.

Vậy mà không có người nào nghĩ đến việc gắp riêng ra để lại hoặc cho vào bịch mang theo trên đường về, giúp người bán vé số dạo, người chạy xe ôm có bữa ăn ngon miễn phí.

Nhiều người Việt chúng ta hay mắc căn bệnh rất tai hại là "sĩ diện hão", cứ tưởng tiêu xài phung phí, thả ga là "sang" mà quên rằng chính những việc tưởng chừng đơn giản như tiết kiệm điện, nước nơi công cộng, gắp thức ăn ở tiệc buffet vừa đủ nhu cầu mới là việc làm tốt, đáng được nêu gương.

Mong sao một ngày gần đây sẽ không còn những tấm bảng bằng tiếng Việt trong các nhà hàng tại Thái Lan, Nhật Bản mang nội dung nhắc nhở thực khách khi tự chọn và lấy thức ăn.

Để rau không thành rác

Gia đình tôi từng mở quán phở nhỏ nhiều năm trước. Không ít lần chúng tôi chứng kiến thực khách của mình ăn rau thơm mà chỉ ăn mấy lá non ở phần ngọn khiến những cành rau quế, rau húng còn mơn mởn ấy đành phải bỏ đi bởi không thể tận dụng lại cho người ăn sau. Giá như họ ý thức được rằng họ cần lặt sạch phần lá rau trên mỗi cành rau thơm ấy, thay vì mỗi cành chỉ lấy mấy lá non.

Nhưng câu chuyện lãng phí không chỉ ở người ăn. Bởi người Việt mình thường ăn bằng mắt nên người bán quán cũng chiều theo cái cảm quan ấy. Mỗi khi khách kêu giá trụng, đầu hành hay rau thêm, chúng tôi đều mang ra những đĩa rau, đĩa giá nhìn sao cho mướt mắt, cho người ăn cảm thấy thà dư còn hơn thòm thèm! Rồi vô hình trung bao nhiêu cọng giá, cây rau bị đổ vào sọt rác một cách lãng phí.

Bước vào quán, nhiều người mang tâm lý mình là "thượng đế" nên có thể mặc sức hành xử với phần thức ăn đã được trả tiền, nào thì tương tiêu nước mắm thoải mái đổ ra cái chén nhỏ để chấm, nhưng cả buổi có khi không chấm lấy một lần. Nào thì ớt xắt, chanh lát cũng lấy, cũng vắt nhiệt tình vào tô thức ăn dù có khi không hợp khẩu vị...

Để tránh lãng phí, nếu không ăn rau thì mọi người nên dặn quán đừng phục vụ rau, nếu ăn thì lấy vừa đủ. Chanh ớt mắm tương - tưởng là nhỏ đó nhưng mình không ăn cũng dặn quán không lấy (nếu mua về), vì thực phẩm còn tươi nguyên không đáng bị biến thành rác. (TRẦN THANH)

Theo Hữu Chơn/tuoitre.vn

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.