Có công bằng khi bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh tự do?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, áp dụng từ năm 2022 với nhiều điều chỉnh so với quy chế năm 2021.

Điểm mới đáng chú ý là thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, quy định này liệu có tạo ra sự bất bình đẳng đối với thí sinh?

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ GD&ĐT quy định mức điểm cộng ưu tiên khu vực sẽ được giữ nguyên. Điểm cộng khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm. Tuy nhiên, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT; thí sinh đã tốt nghiệp THPT (hay còn gọi là thí sinh tự do) thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực.

Có công bằng khi bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh tự do?

Năm 2022, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bỏ điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh thi lại tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển đại học. Ảnh minh hoạ.

Nhiều thí sinh tự do tỏ ra thất vọng với quy định mới này. Em Vi Văn Thái, thí sinh tự do tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: Vấn đề cộng điểm ưu tiên từ những năm trước vẫn áp dụng và không có sự thay đổi, đó chính là cơ hội cũng như khuyến khích những học sinh vùng sâu, vùng xa như chúng em có động lực để học tốt hơn trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Nam sinh cũng cho rằng, những thí sinh tự do không được cộng điểm theo đúng như quyền lợi của mọi học sinh bình thường là bất bình đẳng, thể hiện sự phân biệt giữa các đối tượng học sinh.

Em Bùi Thanh Hà, thí sinh tự do tại huyện Nông Cống (Thanh Hoá) cũng cho rằng: Việc những năm trước các thí sinh tự do vẫn được cộng điểm ưu tiên khu vực nhưng năm nay không được sẽ là bất công rất lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi sát sườn của rất nhiều thí sinh. Do vậy, trước khi điều chỉnh, thay đổi chính sách liên quan đến tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu kỹ, xem xét tác động từ nhiều phía để đảm bảo khách quan, công bằng.

Một số giáo viên THPT cũng cho rằng, việc bỏ điểm ưu tiên đối với thí sinh tự do là chưa đảm bảo công bằng cho thí sinh, việc phân biệt thí sinh năm thi này với thí sinh năm thi khác là chưa thuyết phục. Cô Phan Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) đề xuất: Bộ GD&ĐT nên giữ nguyên quy định cộng điểm ưu tiên khu vực như cũ, không nên phân biệt thí sinh tốt nghiệp năm nay hay các năm trước.

Thực tế cho thấy, điểm ưu tiên khu vực là hỗ trợ cho thí sinh ở vùng nông thôn, khó khăn, có điều kiện hưởng thụ giáo dục kém hơn thành thị. Dù thi lại ở bậc phổ thông, các em vẫn học ở các khu vực ưu tiên đó và bản chất vẫn thiệt thòi hơn so với các bạn ở khu vực thành thị.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục Hocmai (Hà Nội) cũng cho rằng: Thay vì bỏ điểm ưu tiên đối với thí sinh tự do, Bộ GD&ĐT nên xem xét phân chia lại ưu tiên khu vực. Theo thầy Hiền, hiện tại có rất nhiều tỉnh, thành áp dụng khu vực 1 cho toàn tỉnh. Trong khi đó chênh lệch về điều kiện học tập giữa thành phố và nhiều huyện tại tỉnh đó là cực lớn, không công bằng giữa các thí sinh.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Các thí sinh đã tốt nghiệp THPT những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu. Nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ việc xét tuyển vào đại học. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào đại học.

Cũng theo bà Thuỷ, nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng, tiếp thu đề xuất của các em học sinh tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 đã đưa ra quy định theo hướng thí sinh tại các vùng được hưởng điểm ưu tiên khu vực chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực một lần khi có nhu cầu xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngay năm đầu tiên tốt nghiệp THPT. Tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng điểm ưu tiên một lần, như vậy sẽ đảm bảo tính công bằng.

Theo CAND

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.