Số đông đăng ký thi đại học
Trong tổng số 16.401 thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia ở hội đồng thi Hà Tĩnh năm nay có 9.387 thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường đại học, cao đẳng (chiếm tỷ lệ hơn 57%). Sự lựa chọn này cho thấy số đông học sinh đều mong muốn lựa chọn cho mình một trường đại học sau khi tốt nghiệp THPT.
Phần lớn học sinh Hà Tĩnh đang dồn sức ôn luyện để thực hiện mục tiêu vào đại học
Thầy Trần Xuân Phượng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ) - một trong những trường nằm trong top có tỷ lệ học sinh đậu đại học cao, cho biết: “Năm nay, trường có 401/512 học sinh có nguyện vọng đăng ký thi vào các trường đại học, cao đẳng, chiếm tỷ lệ 78,3%”.
Đây cũng là điều dễ lý giải bởi Đức Thọ vốn là vùng đất khoa bảng, hiếu học từ bao đời. Truyền thống ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ, tác động vào các em học sinh suy nghĩ lập nghiệp bằng tấm bằng đại học. Câu chuyện phần đông thí sinh lựa chọn nguyện vọng đại học ở Trường THPT Trần Phú cũng đang diễn ra ở các trường THPT có chất lượng nổi trội trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cùng nhau luyện đề chuẩn bị cho kỳ thi "2 trong 1" - THPT và đại học sắp tới
Cùng với quyết tâm của học sinh, nhiều bậc phụ huynh cũng mong muốn con học tập để vào đại học. Chị Nguyễn Thị Hoa ở Thạch Mỹ (Lộc Hà) cho biết: “Bố mẹ làm nông đã vất vả lắm rồi, vì thế, tôi sẽ tạo mọi điều kiện, động viên con thi vào đại học để con có được tương lai tốt đẹp hơn.
Xu hướng du học tự túc tăng dần
Từ sự tác động của quá trình tư vấn, hướng nghiệp thời gian gần đây, trong số 42,7% thí sinh chọn con đường hướng nghiệp, năm nay, số học sinh lựa chọn du học tự túc để tìm kiếm cơ hội việc làm mang lại thu nhập cao cũng có xu hướng gia tăng.
Em Mai Thị Hải Yến - lớp 12 A10 Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà) cho biết: “Em sẽ đi du học tự túc và dành thời gian hợp lý đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Hi vọng là sau khi ra trường, với tấm bằng đại học, em sẽ có cơ hội lựa chọn việc làm với mức lương hợp lý ở nước bạn".
Mô hình học nghề song song với học văn hóa được nhiều học sinh THPT lựa chọn và đây cũng được xem là một trong những giải pháp đẩy mạnh công tác phân luồng. Ảnh tư liệu
Thực tế sinh viên đại học ra trường không có việc làm hay làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo cũng đã tác động lớn đến suy nghĩ để các em học sinh. Em Lê Văn Đạt - lớp 12B Trường THPT Kỳ Lâm (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Điểm tổng kết các năm học đều trên 8 nhưng em không thi đại học mà chọn con đường du học tự túc ở Nhật Bản. Lý do bởi 2 chị gái của em học xong ra trường đều không tìm được việc làm nên bố mẹ rất ủng hộ quyết định của em”.
“Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm, có khoảng 450 học sinh trên địa bàn toàn tỉnh đi du học theo con đường tự túc và thực tế xu hướng này đang ngày một gia tăng”, thầy Lại Thế Dũng - chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh) cho biết.
Cùng với hiệu quả của công tác tuyên truyền hướng nghiệp thì ý tưởng về mô hình đào tạo thí điểm THPT và trung cấp nghề cho học sinh đã được Sở GD&ĐT áp dụng vào bậc THPT từ năm 2014 đến nay đã thực sự phát huy hiệu quả. Một số học sinh theo học đã tìm kiếm được việc làm với thu nhập ổn định. Đó cũng là một trong những lý do quan trọng tác động đến ý thức học tập, ý thức lựa chọn nghề nghiệp của các em học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Hiện nay, Hà Tĩnh đã có 28 trung tâm tư vấn du học được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động. Thời gian qua, chúng tôi đã kết nối với các trường đại học ở một số nước như: Đài Loan, Nhật bản, Hàn Quốc, Đức… trong việc tạo điều kiện cho các đơn vị tư vấn tăng cường công tác kết nối, phối hợp khi đưa học sinh đi du học. Ngoài ra, ngành cũng khuyến khích các đơn vị tư vấn dạy miễn phí ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho học sinh khi theo học ở môi trường mới. Vì thế, học sinh Hà Tĩnh có thể hoàn toàn yên tâm khi đi du học theo con đường chính thống này.