Năm 2011, Trường THPT Vũ Quang là đơn vị đầu tiên thí điểm đào tạo nghề THPT – trung cấp nghề. Đến năm học 2014 - 2015, có 5 trường thực hiện mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh có 36 trường THPT với trên 5.200 học sinh học THPT – trung cấp nghề.
Các ngành nghề chủ yếu là vận hành máy công trình, điện công nghiệp, điện dân dụng, may thời trang, kỹ thuật chế biến món ăn, hàn công nghiệp, thiết kế đồ họa, cơ điện tử, công nghệ thông tin…
Đây là mô hình hoàn toàn đúng đắn, có tác dụng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: nhiều học sinh đăng ký theo phong trào, chất lượng đầu vào của học sinh thấp, bản thân cơ sở đào tạo cũng chưa có định hướng cho học sinh về nghề đã được học; cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề hạn chế…
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, để phát huy được hiệu quả của mô hình THPT – trung cấp nghề thì phải quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh về công tác đào tạo nghề.
Mặt khác, phải tăng cường liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm cho học sinh sau khi được học nghề; phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo THPT – trung cấp nghề, bổ sung cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển chương trình liên thông giữa các hệ trường trung cấp nghề với cao đẳng và đại học…