Các trường hợp bật đèn khẩn cấp
Thực tế hiện nay, chưa có quy định pháp luật về các trường hợp được sử dụng đèn khẩn cấp. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khuyến cáo người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nên bật đèn khẩn cấp trong các trường hợp:
- Xe gặp sự cố phải dừng, đỗ trên đường.
- Xe đang trong tình trạng nguy hiểm.
- Ảnh hưởng bởi thời tiết xấu.
Tài xế không nên lạm dụng đèn khẩn cấp để dừng đỗ xe. Ảnh: LĐO
Có được bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe được không?
Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12:
Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Theo đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi dừng, đỗ xe phải tuân thủ quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ, không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định cũng như nơi có biển cấm dừng, đỗ xe.
Như vậy, khi đang tham gia giao thông mà xe gặp phải sự cố, trục trặc, phải dừng đỗ ở nơi có biển cấm dừng đỗ thì sẽ không bị xử phạt.
Trường hợp không gặp vấn đề gì mà tài xế vẫn lợi dụng việc bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định là vi phạm và sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng với hành vi đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe” (theo Điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Tóm lại, tài xế nên sử dụng đèn khẩn cấp đúng trường hợp cần thiết, tránh gây nguy hiểm cho người khác và cũng tránh để bị xử phạt.