"Cô gái vàng" Hà Tĩnh và tấm huy chương bạc Pencaksilat Asiad 18

(Baohatinh.vn) - Trở về từ đất nước Indonesia xa xôi - nơi đang diễn ra Đại hội Thể dục thể thao châu Á Asiad, "cô gái vàng" Hà Tĩnh - Trần Thị Thêm ùa vào lòng mẹ sau những tháng ngày tham gia thi đấu với đoàn thể thao Việt Nam.

“Cô gái vàng” Hà Tĩnh và tấm huy chương bạc Pencaksilat Asiad 18

Niềm vui ngày gặp lại mẹ của VĐV Trần Thị Thêm

Vững vàng nhờ tình yêu của mẹ

Căn nhà khiêm tốn nằm ở thôn Đồng Thanh, xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) mấy ngày qua không ngớt người vào ra chúc mừng gia đình VĐV Trần Thị Thêm vừa xuất sắc giành tấm huy chương bạc Asiad 2018 bộ môn Pencaksilat hạng cân dưới 55kg nữ.

Sinh năm 1996 trong một gia đình rất khó khăn khi mình mẹ nuôi bốn anh chị em Thêm ăn học. Các anh chị đều ở xa, còn mình Thêm ở nhà đỡ đần, phụ giúp mẹ việc nhà.

“Cô gái vàng” Hà Tĩnh và tấm huy chương bạc Pencaksilat Asiad 18

Trần Thị Thêm chia sẻ niềm vui về tấm HCB Asiad với mẹ

Hàng ngày, dù phải vất vả chạy ăn từng bữa bằng những chuyến xe đạp thu mua sắt vụn nhưng người mẹ nghèo vẫn nhất quyết muốn Thêm học hành thành tài. Thế nhưng, như một cơ duyên với võ thuật, từ năm lớp 8, một cô giáo dạy môn thể dục của em vốn là một cựu VĐV môn võ Pencaksilat đã phát hiện ra tài năng nên khuyến khích và đưa em đi tập tại Trung tâm TDTT tỉnh Hà Tĩnh. Sẵn niềm đam mê từ lâu, Thêm nhanh chóng làm quen và tiến bộ rất nhanh khi tập luyện.

Nói đến Thêm, bà Hồ Thị Quy không giấu được sự tự hào nhưng cũng đầy xót xa. Bà nói không ngờ quyết định cho Thêm theo học võ thuật cũng là sự bắt đầu của hành trình tập luyện dài đằng đẵng, biền biệt xa nhà của cô út.

“Có khổ cực vất vả bao nhiêu, tôi cũng cố gắng không để con mình thiệt thòi, phải được học hành như chúng bạn. Thế mà, đứa con gái út này nó không nghe, nhất định theo đuổi đam mê luyện võ. Biết tôi nhất quyết ngăn cản, Thêm nhiều lần giả vờ đi học rồi trốn đi tập. Sau đó một thời gian, thấy con mình đam mê quá, lại có chế độ tiền ăn và đi lại tập luyện nên tôi cũng xuôi. Nhưng mỗi lần nhìn con dính chấn thương, lòng tôi vẫn đau xót lắm”, bà Quy nghẹn ngào.

“Cô gái vàng” Hà Tĩnh và tấm huy chương bạc Pencaksilat Asiad 18

Bộ sưu tập huy chương được mẹ Hồ Thị Quy nâng niu cất giữ ngay giữa gian nhà chính.

Thế rồi, những lần xem con thi đấu, người mẹ già không khỏi vui mừng khi nhận ra cô con gái trước màn ảnh nhỏ. Để rồi sau đó là những lần đau thắt ngực khi xem con lên đòn, hạ gục đối thủ. Những ngày đi xa biền biệt, mẹ con gặp nhau ngày càng ít, một năm chỉ đôi ba lần. Mỗi lần về lại thấy con một khác, có lúc lại chẳng nhận ra. Mẹ con trò chuyện với nhau chủ yếu qua điện thoại, vui buồn gì cũng qua điện thoại mà động viên, tâm sự với con.

Bà Quy tâm sự: “Gia đình vất vả lắm, nhưng tôi không muốn dùng đến số tiền mà con gửi về. Mỗi ngày tôi vẫn đi thu mua sắt vụn để gắng không làm phiền con, số tiền mà Thêm cố gắng dành dụm được tôi cũng chỉ muốn cất đi để làm vốn cho con sau này”.

Gian nan khổ luyện giành vinh quang

Hiểu rõ những vất vả và yêu thương đó của mẹ, Trần Thị Thêm bắt đầu tham gia tập Pencaksilat từ tháng 2/2010 và đến năm 2011 Thêm đã được tham gia thi đấu. Tháng 8/2012, em được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia và đến tháng 8/2014, được gọi lên đội tuyển quốc gia chính thức.

“Cô gái vàng” Hà Tĩnh và tấm huy chương bạc Pencaksilat Asiad 18

Nhờ sự cố vũ, động viên nhiệt tình từ gia đình, người thân, cô gái Trần Thị Thêm luôn nỗ lực hết mình để mang vinh quang về cho đất nước.

Một trong những khó khăn trong quá trình tập luyện là phải ép cân để đảm bảo hạng cân khi đi thi đấu. Bình thường, Thêm nặng 57kg nên mỗi đợt trước khi thi đấu em lại phải ép cân xuống dưới 55kg.

“Thời tiết mùa hè nắng 38 - 39oC em cũng mặc áo mưa để chạy, rồi nhịn ăn, ăn kiêng để ép cân xuống 54kg. Trước khi ra sân thi đấu đều phải cân, dù nhỉnh hơn 100g cũng ko đạt yêu cầu”, Thêm chia sẻ.

Gian nan, khổ luyện cũng đã được đền đáp. Ở bất kỳ cấp độ nào, em cũng đều giành được rất nhiều huy chương ở các đấu trường trong nước và quốc tế. Chuỗi thành tích của Thêm gồm HCB giải vô địch thế giới năm 2015, HCB Đông Nam Á, HCV châu Á 2016. HCĐ giải vô địch thế giới, HCB giải Seagames 29 năm 2017 và mới đây là HCB Asiad 2018.

Để tập luyện cho Asiad 2018, Thêm cùng các đồng đội đã phải tập luyện cực khổ xuyên từ giữa năm ngoái đến nay. Một ngày em phải tham gia tập luyện 4 lần, mỗi ngày phải dậy từ 5h sáng đến tận tối khuya mới xong.

Những ngày đầu đến tại Indonesia, do khí hậu không phù hợp nên em cũng đã bị cảm sốt. Thế nhưng, với tinh thần quyết chiến vì màu cờ Tổ quốc, Trần Thị Thêm cùng các đồng đội đã vực dậy tinh thần, cố gắng hết mình để có được 100% sức lực thi đấu.

Màn thể hiện của Trần Thị Thêm trong trận chung kết Pencak Silat tại ASIAD 2018

Thêm cho biết: “Trước trận chung kết, em hoàn toàn làm chủ được tâm lý, sức khỏe dù gặp phải đối thủ chủ nhà Indonesia. Bước vào trận đấu em chỉ tâm niệm làm sao phải đánh bại đối thủ và thể hiện hết. Dù có thua, cũng nhất định phải cho bạn bè thế giới thấy tinh thần võ thuật Việt Nam, sức mạnh của người Việt Nam”.

Khiêm tốn nói về thành tích của mình, võ sỹ Trần Thị Thêm chia sẻ trong tương lai em tập luyện, thi đấu và cống hiến hết mình để trở thành một HLV giỏi. Đó là cơ hội để em tiếp tục trau dồi chuyên môn và truyền đạt kinh nghiệm môn Pencak silat cho các đội trẻ.

Chủ đề Asiad 2018

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.