Toàn cảnh làng mộc truyền thống Yên Huy được tái hiện sinh động qua mô hình thu nhỏ
Làng mộc Yên Huy, xã Yên Lộc, huyện Can Lộc là một trong những địa chỉ khá quen thuộc mà các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm khi tìm hiểu về các làng nghề truyền thống.
Được trải nghiệm, tận mắt chứng kiến quy trình cắt xẻ gỗ, người thợ đục đẽo gỗ thành các vật dụng quen thuộc trong gia đình là trải nghiệm khá thú vị, bổ ích cho các em học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức cho trẻ đi vào tận xưởng sản xuất sẽ không đảm bảo an toàn, bụi bặm, mùi sơn ảnh hưởng đến sức khỏe của các em.
“Nhận thấy được hạn chế đó, tôi cùng một số giáo viên trong trường đã có sáng kiến làm mô hình làng mộc Yên Huy thu nhỏ để tiện cho học sinh, các đoàn khi đến tham quan, tìm hiểu làng nghề. Sau khi lên ý tưởng, với sự hỗ trợ của một vị phụ huynh, chúng tôi mất 2 tuần để hoàn thành sản phẩm. Mô hình của chúng tôi đã lọt vào vòng chung kết hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 10 của tỉnh” - cô Trần Thị Lành - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Lộc cho biết.
Tham quan mô hình, học sinh sẽ có cái nhìn tổng quan về các công đoạn, dụng cụ, cách thức người thợ mộc tạo ra các vật dụng quen thuộc
Dưới bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của các cô giáo, làng mộc Yên Huy hiện lên rất sinh động, ngộ nghĩnh. Đây là máy cưa, máy tiện, máy chạm, kia là hình nộm con rối đang đục đẽo, bào gỗ… Tất cả chuyển động hài hòa theo một hệ thống nhờ vào hoạt động của guồng nước và các bộ cảm biến, vi điện tử, máy bơm nước công suất nhỏ.
Mô hình được đánh giá cao ở sự sáng tạo, kỹ thuật chuyển động hài hòa giữa các bộ phận, kích thước phù hợp mà vẫn đảm bảo phản ánh được đầy đủ các hoạt động của làng nghề, giúp học sinh có cái nhìn tổng quan.
Kích thích tính sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ với mô hình khu vui chơi cát và nước của giáo viên Trường Mầm non Ích Hậu
Nếu các cô giáo của Trường Mầm non Yên Lộc mang đến cho học sinh một cái nhìn tổng quát, trực quan sinh động về làng nghề truyền thống, thì các cô giáo của Trường Mầm non Ích Hậu (Lộc Hà) lại cho học sinh của mình được trải nghiệm, phát triển tư duy với mô hình đồ chơi cát và nước.
Với những vật dụng dễ kiếm, hầu hết là nguyên liệu tái sử dụng như các loại chai, ống nhựa, vỏ dừa, tre nứa, sơn màu... và sự khéo léo, cần mẫn, các cô giáo đã cho ra đời góc học tập, khám phá bổ ích cho học sinh.
Guồng quay kỳ diệu, cây cầu thần kỳ, gáo dừa đa năng, ống nước đáng yêu, cầu trượt siêu đẳng… là những cái tên ngộ nghĩnh, dễ thương mà bất cứ bạn nhỏ nào chỉ nghe thôi cũng đã thấy hào hứng.
Nhỏ gọn, đơn giản nhưng mô hình của giáo viên Trường Mầm non An Lộc (Lộc Hà) vẫn đáp ứng được hiệu quả vui chơi, giảng dạy cho trẻ mầm non
Cô Võ Thị Dung - một trong những giáo viên trực tiếp thực hiện sáng kiến này cho biết: “Đây là một trong những phần việc hưởng ứng phong trào tôn tạo cảnh quan, môi trường và xây dựng khu vực tổ chức cho trẻ chơi với cát và nước do ngành giáo dục phát động. Mô hình này góp phần giúp các con phát triển tư duy, kích thích sáng tạo và phát huy kỹ năng làm việc nhóm”.
Các mô hình đưa vào áp dụng giúp trẻ phát triển tư duy, kích thích sáng tạo và phát huy kỹ năng làm việc nhóm.
Cũng thuộc thể loại mô hình đồ chơi cát nước dành cho trẻ mầm non nhưng các cô giáo Trường Mầm non An Lộc (Lộc Hà) lại tiết kiệm được diện tích đặt góc vui chơi cho trẻ khi sử dụng một bể tắm phao làm nền. Tuy gọn, nhỏ, vật dụng đơn giản, dễ kiếm nhưng hiệu quả vui chơi, giảng dạy của mô hình này cũng không hề thua kém những tác phẩm được đầu tư công phu khác.
Dù mỗi mô hình, sản phẩm một cách thức thực hiện nhưng đều thể hiện được tính sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương mà cô giáo mầm non gửi gắm cho các bạn nhỏ.
Cùng ngắm một số công trình sáng tạo của các cô giáo mầm non "khéo tay, hay làm":
"Guồng nước kỳ diệu"
"Gáo dừa đa năng" bé chơi mãi không biết chán
Những chú rối ngộ nghĩnh, đáng yêu
Bé có thể học cách làm sạch nước với mô hình lọc nước...
... và tìm hiểu về biển đảo quê hương với bộ tranh la bàn bằng đá