Điểm Trường Mầm non Phú Gia nằm khuất sau những ngọn núi trùng điệp
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm về bản Phú Lâm như một sự thử thách của những khó khăn về địa hình. Nằm tách biệt với bên ngoài, Phú Lâm hiện ra với hàng chục căn nhà thưng ván gỗ, lợp ngói nằm quần tụ, san sát nhau như những chiếc bát úp đơn sơ, nhỏ bé nép mình bên dòng sông Tiêm. Hòa mình vào trong bức tranh vẽ nên bản Phú Lâm là sự hiện diện của điểm Trường Mầm non Phú Gia - nơi các cô giáo “cắm bản” đang lặng lẽ từng ngày ươm “mầm xanh" cho con em các dân tộc Lào, Nùng, Tày, Kinh, Chứt.
Tại điểm Trường Mầm non Phú Gia hiện có 30 cháu ở các độ tuổi 3, 4, 5 trong đó 2 em dân tộc Nùng, 1 em dân tộc Tày, 7 em dân tộc Kinh và 20 em dân tộc Lào theo học. Cơ ngơi của điểm trường ở bản Phú Lâm là ngôi nhà xây cấp 4 xập xệ, đã xuống cấp trầm trọng. Các hoạt động giảng dạy, học tập, ăn nghỉ của cô Lê Thị Hữu (SN 1967) và cô Lê Thị Thắm (SN 1982) cùng các học sinh hàng ngày đều diễn ra trong các công trình này và khoảng sân đất nện trong khuôn viên trường.
Trong ngôi nhà xây cấp 4 xuống cấp, xập xệ, cô Lê Thị Hữu vẫn miệt mài ươm “mầm xanh con chữ"
Theo cô Hữu và cô Thắm, cái khó khăn, thiếu thốn và vất vả nhất nơi đây là giao thông rất khó khăn, cách trở. Bản làng nằm sâu trong núi, khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác thiếu trầm trọng nên nguồn lương thực, thực phẩm luôn khan hiếm, phải mua từ ngoài trung tâm xã đưa vào.
Cô Lê Thị Hữu chia sẻ, cứ vào 6 rưỡi sáng hàng ngày, cô lại đến tận nhà vận động trẻ đi học, đưa đón các cháu đến trường thay bố mẹ, có khi nhiều gia đình chỉ đưa con đến bờ sông rồi cô Hữu phải tới đón cháu.
Hàng ngày, cô Thắm phải mua thức ăn từ trung tâm xã cách hơn 12km và tự tay chuẩn bị bữa ăn cho các em
Sau khi đến lớp, cô Hữu lại đếm tổng số trẻ rồi báo số lượng cho cô Thắm. Lúc này, cô Thắm mới mua thức ăn từ trung tâm xã cách hơn 12km đưa vào để phục vụ bữa ăn trưa cho các cháu.
Khi ở lớp, công việc của các cô nhiều hơn giáo viên bình thường. Vì cấp học khác nhau nên không chỉ có 1 giáo án chung mà phải chuẩn bị nhiều nội dung dạy riêng cho từng nhóm cấp học. Mừng nhất là các em chịu khó, đến lớp học nghiêm túc, không quậy phá. Cứ vậy, công việc mỗi ngày của các cô là vào bản đón trẻ ra trường, dạy dỗ, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu và dẫn học trò về trở lại nhà.
Khép lại một ngày làm việc cũng là lúc trời nhá nhem tối, chỉ còn leo lắt những ánh đèn qua khe thưng ván gỗ.
Khu vực ăn, ngủ, học tập của các em còn rất đơn sơ, thiếu thốn
Trong lớp học đơn sơ, nền đã bong tróc phần nhiều, cô giáo Lê Thị Hữu - người có đến 24 năm “cắm bản” nhớ về những ngày đầu tiên gắn bó với nghề.
Thuở mới “gõ đầu trẻ” của cô Hữu vô cùng khó khăn, vất vả. Mọi thứ đều tạm bợ, không có trường, có lớp, cô phải mượn nhà dân để làm điểm dạy. Vốn đây là nơi sinh sống, gắn bó của hơn 60 hộ dân thuộc dân tộc Lào nên trước đây, điểm trường chỉ có 10 - 20 trẻ ở các độ tuổi 3, 4, 5 của con em học sinh dân tộc Lào, sau này tiếp tục có thêm các trẻ thuộc dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Chứt.
Đặc thù là một bản có nhiều dân tộc sinh sống, ở vùng sâu vùng xa, giao thông cách trở, hiểu biết còn nhiều hạn chế nên việc vận động con em đến trường học là một điều rất khó khăn. Thế nhưng, là một người con của bản làng Phú Lâm, thấu hiểu những vất vả và những tâm tư nguyện vọng của con em dân tộc đã khiến cô Hữu tình nguyện cắm bản. Dẫu đã có lúc muốn buông cái nghề này nhưng vì tình thương yêu con trẻ nên cô vẫn gắng bám trụ.
Cung đường cô Lê Thị Thắm đến với bản đầy gian nan với nhiều đoạn gồ ghề, đèo dốc; đặc biệt là lầy lội, nguy hiểm về mùa mưa.
Không giống như cô Hữu, cô Lê Thị Thắm lại có đến 9 năm dạy học ở Trường Mầm non Gia Phố trước khi tình nguyện xin chuyển về dạy ở nơi xa xôi này. Bằng tình yêu, tình thương với những đứa trẻ nơi mình sinh ra, khiến cô Thắm chấp nhận rời bỏ vùng trung tâm để đưa những gì mình có về dạy cho các em.
Đề cập về cuộc sống gia đình, giọng cô Thắm như chùng xuống, có chút ngậm ngùi. Gia đình cô ở cách điểm trường 12km, khi cô Thắm đi “cắm bản” thì công việc gia đình, nuôi dạy, chăm sóc hai con nhỏ chỉ biết trông vào bàn tay của người chồng.
“Những lúc như vậy, tủi thân lắm và rất muốn ở gần nhà. Nhưng vì điều kiện công tác, nhiều đồng nghiệp khác cũng khó khăn như mình, ở đây cũng có cô Hữu luôn động viên nên phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lâu dần thành quen, nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân, thấy được sự cần thiết của tình thương yêu, giá trị của con chữ đối với các cháu nhỏ nơi đây nên mình lại muốn ở lại cống hiến và phấn đấu”, cô Thắm chia sẻ.
Mong muốn các em học sinh vùng bản được học tập, trưởng thành để góp phần phát triển bản làng, quê hương chính là động lực để các cô tiếp tục sự nghiệp cao cả
Ở lớp học “thập cẩm” này, đa số cha mẹ các em đều là lao động phổ thông, đi làm suốt ngày, không có điều kiện chăm sóc, chưa chú trọng đến chuyện học hành của con cái. “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải nỗ lực và bám bản, bám dân” - với phương châm đó, những lúc rảnh rỗi, cô Hữu, cô Thắm lại đi vào từng nhà dân để vận động các gia đình cho con em đi học đầy đủ; tuyên truyền cho phụ huynh biết giữ vệ sinh hàng ngày, cách phòng tránh các dịch bệnh dễ xảy ra, cách giữ ấm cho các cháu khi ngủ đêm... Mỗi khi bản làng có việc thì các cô cũng nhiệt tình phụ giúp. Nhờ vậy, các cô giáo tại điểm trường luôn được người dân trong bản tin yêu.