1. Mối nguy khi tập thể dục khi ốm
BS. Nguyễn Trọng Thủy (nguyên bác sĩ Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia và U23 Việt Nam) cho hay, tập thể dục khi bị ốm, đặc biệt là khi bị sốt, có thể:
- Ảnh hưởng đến tim mạch.
- Mất sức bền và sức mạnh cơ bắp .
- Tiêu cơ vân.
- Lây lan mầm bệnh.
- Bệnh nặng hơn...
Tập thể dục khi bị ốm, đặc biệt là khi bị sốt, có thể dẫn đến nhiều biến chứng.
Theo BS. Nguyễn Trọng Thủy, nên tránh tập thể dục nếu bạn ốm khi có các triệu chứng như: Khó thở, buồn nôn, nôn, sốt, tiêu chảy, đau cơ... Tuy nhiên, có thể tập thể dục nếu các triệu chứng: Ho khan, đau đầu nhẹ, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng...
Mặc dù việc tập thể dục sau khi khỏi bệnh có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe của toàn cơ thể, song cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ trước khi quay trở lại tập luyện. Sau khi khỏi ốm, cần từ từ quay trở lại chế độ tập thể dục hàng ngày. Không nên tập luyện cường độ mạnh, thời gian dài... để tránh chấn thương.
2. Bài tập nào là an toàn khi bị ốm?
Có một số bài tập an toàn khi bạn đang bị ốm nhẹ nhưng BS. Nguyễn Trọng Thủy lưu ý, nên giảm cường độ tập luyện.
- Đi xe đạp: Đi xe đạp là bài tập vừa phải và an toàn nếu bị ốm nhẹ. Bạn nên tránh nơi đông đúc, ô nhiễm để giảm nguy cơ kích thích đường hô hấp, gây ho, khó thở, làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện có.
- Khiêu vũ: Đây là một hình thức tập thể dục an toàn khi bị ốm nhẹ. Khiêu vũ giúp cải thiện các triệu chứng bệnh, làm giảm mức độ căng thẳng. Khiêu vũ giúp bạn vận động nhẹ nhàng mà không làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.
- Khí công: Trong y học Trung Quốc, khí công giúp chữa lành và điều hòa cơ thể, tâm trí và tinh thần. Khí công giúp cải thiện lưu lượng máu, tăng năng lượng, giảm lo lắng và căng thẳng, giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Do đó, nếu bạn bị ốm nhẹ có thể tập khí công để tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhanh khỏi bệnh.
- Đi dạo: Một số bằng chứng cho thấy tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng khả năng miễn dịch, giúp giảm các triệu chứng của cảm lạnh. Tuy nhiên, nên tránh các bài tập cường độ cao, chỉ nên vận động nhẹ nhàng. Việc vận động nhẹ nhàng như đi dạo cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh, giúp cơ thể thoải mái hơn.
- Yoga: Các bài tập yoga có thể giảm viêm và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Đồng thời, việc kéo giãn nhẹ nhàng trong các bài tập yoga giúp giảm đau nhức liên quan đến cảm lạnh và viêm xoang.
3. Làm thế nào tập thể dục an toàn?
Để đảm bảo an toàn khi tập luyện trong thời gian bị ốm, BS. Nguyễn Trọng Thủy khuyến cáo nên thực hiện quy tắc sau:
- Tránh nơi đông người: Việc tập luyện ở nơi đông người (như phòng tập) có thể làm lây lan virus gây bệnh sang những người khác.
- Không tập thể dục khi bị sốt: Tránh tập thể dục nếu bị sốt, bởi khi bị sốt có thể gây mất nước, đau đầu và đau cơ. Nên ngừng tập thể dục và nghỉ ngơi hoàn toàn nếu việc tập thể dục làm các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
- Giảm cường độ tập luyện: Việc giảm cường độ tập luyện giúp bạn tránh mệt mỏi vì cơ thể đã sử dụng rất nhiều năng lượng để chống lại nhiễm trùng. Nếu bạn đang chạy bộ, khi bị ốm chỉ nên đi bộ nhanh.
- Uống đủ nước: Nên uống 2-2,5 lít nước/ngày hoặc hơn nếu cần thiết, nhất là khi bạn tập luyện trong thời gian bị ốm.