Video: Người dân và lãnh đạo huyện Kỳ Anh nói về việc thực hiện Quyết định 22 của tỉnh.
Khi “khoe” với chúng tôi về ngôi nhà trong mơ đang được xây dựng ngay cạnh ngôi nhà cũ nát của mình, bà Lê Thị Yến (SN 1958, thôn Tiến Thượng, xã Kỳ Thượng) đã không cầm được nước mắt. Bà khóc vì hạnh phúc bởi lần đầu tiên trong đời được sở hữu ngôi nhà xây kiên cố; khóc vì cảm nhận sâu sắc được tình yêu thương, đùm bọc của cả cộng đồng dành cho những mảnh đời khó khăn.
Là hộ nghèo, chồng mất sớm, bà Yến một mình nuôi 4 người con. Gần đây, các con lập gia đình ra ở riêng, hoàn cảnh khó khăn, một mình bà sống trong căn nhà tranh dột nát tạm bợ, mỗi khi có bão lũ là phải gói ghém đồ đạc đi sơ tán.
Bà Lê Thị Yến vui sướng bên ngôi nhà mơ ước của mình đang được xây dựng.
Đã nhiều lần bà nằm trong diện được hỗ trợ làm nhà ở từ các nguồn chính sách nhưng với số tiền hỗ trợ vài ba chục triệu, bà không có tiền góp thêm để làm nên thôi. Lần này, với số tiền 70 triệu đồng, cùng sự chung tay giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh em, làng xóm, một ngôi nhà mơ ước với tổng kinh phí 90 triệu đồng đang dần được hình thành.
Bà Yến rưng rưng chia sẻ: “Nếu không có sự hỗ trợ này thì đến cuối đời, tôi cũng sẽ không bao giờ có ngôi nhà thực sự để ở. Cảm ơn Đảng và Nhà nước, cảm ơn mọi người đã cho tôi một ngôi nhà để sinh sống tuổi già. Mùa mưa năm nay tôi không phải nơm nớp chạy lũ nữa…”
“Ngôi nhà 22” của bệnh binh Nguyễn Lương Hiền đang vào giai đoạn hoàn thiện.
Cùng chung niềm hạnh phúc đó, gia đình ông Nguyễn Lương Hiền, một bệnh binh thường xuyên đau ốm ở thôn Tiến Thượng (Kỳ Thượng) cũng đang gấp rút hoàn thành ngôi nhà mơ ước của mình.
Ông Hiền cho biết, gia đình các con ra ở riêng cũng rất khó khăn, nhiều lần bàn bạc đóng góp để xây nhà cho bố mẹ nhưng không đủ. Nay được hỗ trợ số tiền lớn (70 triệu đồng) từ tỉnh (Quyết định 22, ngày 20/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có khó khăn về nhà ở của tỉnh” - PV), vợ chồng tôi quyết định huy động thêm để làm ngôi nhà khang trang, an hưởng tuổi già.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ngọ, thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn cũng chuẩn bị hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tại xã Kỳ Văn, lần hỗ trợ này, 9 hộ được thụ hưởng chính sách đều là những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến thời điểm này, xã có 6/9 nhà đang bước vào giai đoạn hoàn thiện.
Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Văn Nguyễn Tiến Điền phấn khởi: Với điều kiện nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp, chính sách hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định 22 của tỉnh đã giúp Kỳ Văn giải quyết được một phần quan trọng về vấn đề an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, đồng thời củng cố thêm tiêu chí nhà ở trong xây dựng NTM.
Lãnh đạo xã Kỳ Văn chia sẻ niềm vui với các hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà mới.
Vì vậy, xã quyết tâm tranh thủ đến mức cao nhất chính sách của tỉnh, đồng thời huy động nội lực để làm nhà ở cho người dân. Bên cạnh rà việc soát, đánh giá chính xác đối tượng thụ hưởng, tư vấn xây dựng nhà với quy mô hợp lý, trong quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền xã luôn bám sát động viên, hướng dẫn gia đình và các kíp thợ làm đúng thiết kế, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình.
Đợt hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo và nhà tránh lũ theo Quyết định 22 của tỉnh lần này, trong số 100 nhà được đề xuất hỗ trợ trong giai đoạn 1, huyện Kỳ Anh hiện có trên 90 nhà đã và đang được xây dựng, nhiều nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; 10 nhà còn lại sẽ được khởi công trong đầu tháng 4.
Các tốp thợ ở xã Kỳ Văn tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình để bà con sớm được ở trong ngôi nhà mới.
Đón nhận và triển khai chính sách nhân văn này, huyện Kỳ Anh đã có những bước đi rất bài bản, căn cơ nhằm phát huy cao nhất giá trị gói hỗ trợ của tỉnh.
Bà Dương Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh khẳng định, chưa bao giờ có nguồn chính sách với mức hỗ trợ lớn và thủ tục đơn giản như Quyết định 22. Là một huyện nghèo, người dân còn gặp nhiều khó khăn, chúng tôi xác định không chỉ là cơ hội của người nghèo mà đây còn là cơ hội của địa phương trong chỉ đạo thực hiện tiêu chí nhà ở.
Thực hiện theo phương châm “chậm mà chắc”, huyện đã bố trí nhiều đoàn phối hợp với các địa phương đến từng hộ dân. Cùng với tiến hành rà soát, lên danh sách các hộ được hỗ trợ, các thành viên đoàn đã cùng gia đình bàn bạc, lên phương án chi tiết về quy mô, thiết kế nhà ở trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và đặc điểm của địa phương. Nhờ đó, việc xây dựng được triển khai đồng loạt tại các địa phương.
Quyết định 22 còn là cơ hội của các địa phương trong thực hiện tiêu chí nhà ở.
Điều đáng ghi nhận là chính sách nhân văn của tỉnh đã thực sự thấm sâu và tạo được sự cộng hưởng tích cực trong cộng đồng. “Nhà ở 22” triển khai xây dựng đã huy động được sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, của bà con, làng xóm; mỗi người một việc để giảm thiểu chi phí. Ngay cả các kíp thợ xây dựng cũng sẵn sàng giúp đỡ các gia đình ngày công và tập trung thi công nhanh nhất để người nghèo sớm có nhà ở.
"Không chỉ giúp các hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh tìm lại cuộc sống, hòa nhập xã hội; những ngôi nhà mới mang tên “Nhà 22” ra đời trên địa bàn Kỳ Anh đã khẳng định được tính cố kết cộng đồng sâu sắc, đặc biệt là thể hiện rõ quan điểm của tỉnh ta là “Không để ai bị bỏ lại phía sau” - bà Dương Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết.