Lực lượng an ninh gác tại hiện trường vụ tấn công nhằm vào nhà thờ ở thành phố Kasindi, tỉnh Bắc Kivu, Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 15/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Truyền thông địa phương dẫn lời của các quan chức Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 17/5 cho hay Quốc hội nước này đã thông qua việc gia hạn lệnh phong tỏa ở hai tỉnh đầy bất ổn của đất nước là Ituri và Bắc Kivu.
Trong buổi trình bày dự luật này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Dân chủ Congo Rose Mutombo Kiesse khẳng định họ đã ghi nhận nhiều hoạt động của các nhóm vũ trang địa phương và nước ngoài ở một số khu vực của hai tỉnh nói trên.
Bà Kiesse nói: “Việc phong tỏa không kéo dài vĩnh viễn. Cho đến lúc đó, việc này vẫn là giải pháp thay thế duy nhất phù hợp với bản chất của các hoạt động được triển khai để đối phó với các nhóm vũ trang”.
Trước đó, ngày 6/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tất cả các nhóm vũ trang tham chiến ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo hạ vũ khí ngay lập tức và tham gia quá trình giải ngũ, giải trừ quân bị và tái hòa nhập, nhấn mạnh sự hiện diện của họ đang gây ra “ thảm kịch nhân đạo ” và đe dọa an ninh khu vực.
Ông Guterres cho biết có hơn 100 nhóm vũ trang ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo và sự hiện diện của các nhóm này đang đe dọa an ninh khu vực và có thể dẫn đến những thảm kịch nhân đạo và vi phạm nghiêm trọng quyền con người, bao gồm cả bạo lực tình dục.
Bạo lực đã lan rộng khắp miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo trong nhiều năm qua với các vụ giết người, hãm hiếp và hành hình do các lực lượng phiến quân có vũ trang từ các nhóm khác nhau bao gồm M23 và Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF) thực hiện. Cộng hòa Dân chủ Congo cáo buộc nước láng giềng Rwanda ủng hộ phiến quân M23, chủ yếu gồm các thành viên thuộc nhóm sắc tộc Tutsi đến từ miền Đông Congo.
Rwanda bác bỏ cáo buộc và cáo buộc Cộng hòa Dân chủ Congo ngược đãi người Tutsi và kích động hận thù dân tộc chống lại họ.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, sự hồi sinh của nhóm phiến quân M23 kể từ tháng 11/2021 đã khiến ít nhất 500.000 người phải sơ tán./.