Mới đây, trên tạp chí Circulation của Hiệp hội tim mạch Mỹ đăng tải công bố một kết luận nghiên cứu về tình trạng mắc COVID-19 ở những người bị dị tật tim bẩm sinh (hay bệnh tim bẩm sinh).
Theo đó, những người bị dị tật tim bẩm sinh nhập viện vì mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh trở nặng hoặc tử vong cao hơn những người không mắc dị tật này. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người bị dị tật tim bẩm sinh mắc COVID-19 cũng có nhiều khả năng cần phải thở máy hoặc phải điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt.
Những người bị dị tật tim bẩm sinh nhập viện vì mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh trở nặng. Ảnh minh họa
Theo TTXVN, dữ liệu của những bệnh nhân nhập viện mắc COVID-19 được các nhà nghiên cứu xem xét trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021 do Cơ sở dữ liệu chăm sóc y tế đặc biệt về dịch COVID-19 thu thập.
Cơ sở này thu thập dữ liệu của khoảng 20% tổng số ca nhập viện tại Mỹ. Các nhà nghiên cứu đã tính đến khác biệt về tuổi tác, loại bảo hiểm y tế, chủng tộc và giới tính cũng như các tình trạng nguy cơ cao khác, bao gồm bệnh tiểu đường, hội chứng Down, suy tim, béo phì và tăng huyết áp động mạch phổi. Có 235.638 bệnh nhân từ 1 đến 64 tuổi nhập viện vì COVID-19 đã được đưa vào nghiên cứu.
Số bệnh nhân này được chia thành 2 nhóm, nhóm bị dị tật tim bẩm sinh và nhóm không bị. Sau đó, các nhà nghiên cứu xác định có bao nhiêu bệnh nhân cần được điều trị tích cực, cần máy thở hoặc tử vong. Đồng thời họ cũng xem xét các đặc điểm khác, bao gồm cả các tình trạng sức khỏe khác.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, số các bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu, 421 người bị dị tật tim bẩm sinh. Những bệnh nhân bị dị tật tim mắc bệnh COVID-19 sẽ có nguy cơ nghiêm trọng hơn các bệnh nhân khác, đặc biệt là người 50 tuổi trở lên hoặc nam giới. Hơn 10 dị tật tim bẩm sinh nếu bị ảnh hưởng của COVID-19 sẽ có các mạch máu gần tim không thể phát triển trở lại bình thường như trước.
Bà Karrie Downing (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, tác giả chính của nghiên cứu) cho biết: “Dữ liệu so sánh kết quả COVID-19 giữa các bệnh nhân có và không bị dị tật tim bẩm sinh còn hạn chế. Những người bị dị tật tim cần được khuyến khích tiêm vaccine ngừa COVID-19 và mũi tăng cường, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Những người bị dị tật tim cũng nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế riêng về các biện pháp bổ sung để kiểm soát rủi ro liên quan tới COVID-19 do nguy cơ bệnh chuyển biến nặng và biến chứng nghiêm trọng.
Dị tật tim bẩm sinh khiến các hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng.
1. Bệnh tim bẩm sinh là gì?
Bệnh tim bẩm sinh hay (dị tật tim bẩm sinh) là những dị tật của cơ tim, van tim, buồng tim xảy ra ngay từ lúc còn trong bào thai và tồn tại sau sinh. Lúc này, một vài cấu trúc tim sẽ bị khiếm khuyết dẫn đến các hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng.
Bệnh tim bẩm sinh là dị tật phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số những trường hợp dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Ở các nước phát triển, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh khoảng 0,8 – 1% các trường hợp trẻ sinh ra còn sống. Hầu hết những trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh có thể sống được đến tuổi trưởng thành.
2. Bệnh tim bẩm sinh do các nguyên nhân
-Yếu tố di truyền.
-Mẹ nhiễm cúm, Rubella trong khi mang thai.
-Người mẹ lạm dụng rượu và thuốc lá.
-Các bất thường nhiễm sắc thể: ba nhiễm sắc thể 18, ba nhiễm sắc thể 21…
-Một số thuốc được chứng minh có thể gây quái thai: thalidomide, lithium, hydantoin,..
3. Bệnh tim bẩm sinh có các triệu chứng
Triệu chứng tim bẩm sinh rất đa dạng và phong phú, từ không có triệu chứng cho đến những triệu chứng nặng nề, nguy hiểm tới tính mạng đều có thể gặp.
Tim bẩm sinh trẻ em có thể gồm những triệu chứng không đặc hiệu:
-Không tăng cân, chậm phát triển thể chất.
-Khó thở, đặc biệt khó thở khi gắng sức.
-Ở trẻ sơ sinh có thể thấy trẻ tím môi khi khóc, khóc không ra hơi.
-Dễ bị viêm phổi và viêm phổi tái phát.
Tim bẩm sinh ở người lớn có thể không có biểu hiện gì, chỉ phát hiện khi tình cờ đi khám, cũng có thể người bệnh đến khám vì triệu chứng của suy tim: khó thở, phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi. Hoặc hội chứng Eissenmenger: tím da niêm mạc, ngón tay dùi trống. Khi có hội chứng này, các can thiệp thường không còn chỉ định, tỉ lệ sống còn thấp.
Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động các cơ quan khác và đến sự phát triển của trẻ. Ảnh minh họa
4. Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không?
Tim bẩm sinh là một bệnh lý khá nặng ở trẻ sơ sinh. Bất thường trong hoạt động của hệ thống tim mạch ảnh hưởng đến hoạt động các cơ quan khác và đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào loại dị tật tim bẩm sinh trẻ mắc.
Hiện nay, nếu trẻ sinh ra có dị tật ở tim thì cơ hội dị tật được giải quyết và có thể phát triển bình thường. Những tiến bộ gần đây trong chẩn đoán và can thiệp điều trị đã có thể sửa chữa rất nhiều thể dị tật thậm chí là cả những dị tật mà trước đây không thể làm gì được.
5. Bệnh tim bẩm sinh gây các biến chứng
Loạn nhịp tim: Là tình trạng tim đập không đều, quá nhanh hoặc quá chậm. Loạn nhịp tim có thể gây đột quỵ hoặc đột tử nếu không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách.
Nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc): Là bệnh lý nhiễm trùng của lớp nội mạc cơ tim, thường xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào máu và di chuyển đi đến tim. Viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng, phá hủy van tim, thậm chí thuyên tắc gây đột quỵ.
Đột quỵ: Dị tật tim bẩm sinh có thể khiến hình thành các cục máu đông trong tim, gây thuyên tắc mạch máu, làm giảm hoặc ngăn chặn việc cung cấp máu đến não.
Tăng áp động mạch phổi: Là tình trạng tăng áp lực trong động mạch phổi, phần lớn do lưu lượng máu đến phổi tăng lên.
Suy tim: Một số dị tật tim bẩm sinh không phát hiện và điều trị kịp thời dẫn tới tim bơm không đủ máu so với nhu cầu cơ thể, dẫn đến suy tim.
6. Các loại dị tật tim bẩm sinh
6.1. Dị tật gây tắc nghẽn
-Hẹp van động mạch chủ.
-Hẹp van động mạch phổi.
-Van động mạch chủ 2 mảnh.
-Hẹp dưới van động mạch chủ.
-Hẹp eo động mạch chủ.
6.2. Dị tật vách ngăn
-Thông liên nhĩ.
-Thông liên thất.
-Bệnh tim bẩm sinh có tím: Đây là bệnh tim trong đó máu được bơm ra để nuôi cơ thể chứa lượng oxy ít hơn bình thường. Tình trạng này làm da đổi màu xanh tím. Trẻ sơ sinh bị tím tái thường được gọi là “em bé màu xanh”.
-Tứ chứng Fallot: Là dị tật tim bẩm sinh thường gặp nhất gây tím ở trẻ lớn trên 2 tuổi. Hầu hết trẻ bị tứ chứng Fallot cần được phẫu thuật tim hở trước tuổi đi học để đóng lỗ thông liên thất và loại bỏ các cản trở lưu lượng máu lên phổi. Các bệnh nhi này cần theo dõi sức khỏe cả đời.
Tứ chứng Fallot đặc trưng bởi 4 dị tật:
-Thông liên thất cho phép máu đi từ thất phải qua thất trái mà không lên phổi.
-Hẹp tại van hoặc ngay dưới van động mạch phổi làm cản trở một phần lượng máu từ thất phải lên phổi.
-Dày thất phải.
-Động mạch chủ nằm ngay trên lỗ thông vách liên thất.
Teo van ba lá: Dị tật này không có van ba lá, do đó không có máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải. Teo van ba lá đặc trưng bởi: thất phải nhỏ; thất trái lớn; tuần hoàn phổi giảm; tím tái.Chuyển vị đại động mạch (vị trí của động mạch phổi và động mạch chủ bị đảo ngược).
Tùy từng bệnh lý dị tật tim bẩm sinh có thể chữa được bệnh.
6.3. Các dị tật tim khác
-Hội chứng giảm sản tim trái.
-Còn ống động mạch.
-Dị tật Ebstein.
7. Bệnh tim bẩm sinh có di truyền không?
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tim bẩm sinh, yếu tố di truyền được cho là có đóng một vai trò trong một số trường hợp tim bẩm sinh nhưng không có nghĩa là bố mẹ mắc tim bẩm sinh chắc chắn sẽ di truyền lại cho con.
8. Bệnh tim bẩm sinh có chữa được không?
Tim bẩm sinh bao gồm rất nhiều bệnh lý khác nhau, từ mức độ đơn giản đến phức tạp. Tùy bệnh lý mà có thể chữa khỏi hoàn toàn, chữa khỏi một phần hay chỉ là các giải pháp tạm thời giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng sống.
Các bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn như: Thông liên thất, thông liên nhĩ, tứ chứng Fallot, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch chủ, chuyển vị đại động mạch... Một số bệnh chỉ có thể chữa tạm thời như: Tim một thất, thiểu sản thất, các bệnh tim bẩm sinh phức tạp.
9. Người bị bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu?
Mặc dù khá nguy hiểm nhưng hiện nay cơ hội phát hiện triệu chứng bệnh và điều trị bệnh tim bẩm sinh thành công là rất cao. Trẻ bị tim bẩm sinh vẫn có thể sinh hoạt và sống cuộc sống như người bình thường. Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc tim bẩm sinh có thể sống đến năm 75 tuổi (+/- 11 tuổi), chỉ kém 4 tuổi so với người khỏe mạnh.
Cần tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai để tránh em bé sinh ra bị mắc dị tật tim bẩm sinh.
10. Phòng ngừa bệnh tim bẩm sinh
Tiêm chủng đầy đủ trước khi mang thai.Giảm cân trước khi mang thai nếu thừa cân.
Chế độ ăn lành mạnh.
Không sinh con khi tuổi 35.
Tránh các nguồn lây bệnh khi mang thai.
Kiểm soát tốt đường huyết.
Liệt kê đầy đủ và hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc đang dùng trước khi mang thai.
Trường hợp gia đình có tiền sử bệnh tim bẩm sinh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về sàng lọc di truyền.
Trong suốt thời gian mang thai, mẹ không được uống rượu bia, hút thuốc lá và các loại thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng axit folic có thể dùng trong mang thai và liên tục để phòng ngừa bệnh lý ở trẻ sơ sinh.
11. Mắc bệnh tim bẩm sinh có nên tiêm vaccine phòng COVID-19?
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch chiếm hơn 10%, tiếp đó là tiểu đường lớn hơn 7%. Số còn lại đứng đầu trong danh sách là người mắc bệnh hô hấp mãn tính, còn ở người bình thường là 0,9%. Điều đó cho thấy nguy cơ tử vong do COVID-19 ở người bệnh tim mạch là cao nhất và cao gấp 10 lần người bình thường.
Theo Bệnh viện TƯQĐ 108, vaccine không ngăn ngừa cho người bệnh tim mạch khỏi nhiễm COVID-19, nhưng chắc chắn sẽ làm giảm khả năng mắc bệnh nghiêm trọng và giảm khả năng dẫn đến tử vong. Nếu không tiêm phòng, khi mắc COVID-19 tình trạng bệnh tim mạch dễ bị nặng hơn thông qua nhiều cơ chế, bao gồm cả tình trạng tổn thương viêm trực tiếp ở tim. Do đó, tất cả bệnh nhân tim mạch đều nên tiêm vaccine COVID-19.