Sáu năm trước, với 28,83 điểm, Nguyễn Ngọc Phương Linh trúng tuyển ngành Kinh tế đối ngoại và là thủ khoa đầu vào ĐH Ngoại thương (Hà Nội). Tuy nhiên, cô quyết định từ bỏ cơ hội vào trường top để tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời chuẩn bị cho giấc mơ du học.
Nhớ lại lựa chọn của mình, Phương Linh không hối hận. Cô có hơn một năm rưỡi vi vu tới 6 quốc gia châu Á qua chương trình trao đổi thanh niên quốc tế và nhận được thư mời từ các trường đại học khác nhau.
Đầu năm 2018, ở tuổi 20, Phương Linh trúng tuyển ĐH Duke Kunshan (chi nhánh của ĐH Duke tại Trung Quốc) với học bổng trị giá 5 tỷ đồng.
Nhưng tháng tám năm đó, Phương Linh lựa chọn đến ĐH Dickinson (Mỹ) để học ngành Kinh tế học. Cô học ở Mỹ 3 năm và thêm một năm học chuyển tiếp tại ĐH Oxford (Anh).
“Xuất phát muộn hơn số đông nhưng mình được học về điểm mạnh cũng như điểm yếu của nhiều quốc gia so với Việt Nam để có cái nhìn toàn diện hơn”, Phương Linh chia sẻ.
Tháng 8/2018, Phương Linh lựa chọn đến ĐH Dickinson (Mỹ) để học ngành Kinh tế học. Ảnh: NVCC.
Hành trình 4 năm trên nước bạn
Quá trình học tập ở Mỹ của Nguyễn Ngọc Phương Linh là chặng đường đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị.
Lúc mới sang, cô chọn học luôn các môn Triết học Chính trị, Tâm lý học Tôn giáo, Kinh tế Vi mô, Toán đồng thời tham gia vào đội Luật của trường.
“Lúc đó, mình toàn ăn trưa ở trong thư viện, rồi ngồi tới lúc thư viện đóng cửa lúc 2h sáng, mệt nhưng cách giảng dạy của thầy cô cũng như tài liệu học rất thú vị”, Linh nói.
Bản thân Linh thích đọc, học, tìm hiểu, tranh biện. Giảng viên ở đây cũng khuyến khích việc đặt câu hỏi và tranh luận với học sinh. Vì vậy, cô gái 20 tuổi khi ấy luôn cảm thấy môi trường tại ĐH Dickinson rất phù hợp với bản thân. Linh được tiếp cận với những giáo sư hàng đầu và giáo trình học bài bản.
Tham gia đội Luật của trường (Mock Trial), Linh cùng đồng đội thường đi thi đấu với các trường đại học ở bờ Đông nước Mỹ. Cô cũng là thành viên của CLB Mỹ thuật, từng giành một số giải thưởng cũng như có cơ hội trưng bày tranh trong các triển lãm.
Sau đó, Linh làm Phó chủ tịch Hội Sinh viên Danh dự và có thêm nhiều cơ hội để gặp sinh viên giỏi trên khắp nước Mỹ. Việc tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp Linh rèn luyện sự tự tin, kỹ năng thuyết trình cũng như khả năng thuyết phục người khác.
Một năm học chuyển tiếp tại ĐH Oxford, Phương Linh gặp rất nhiều người giỏi, từ học sinh tới giáo sư. Tiếp xúc với nhiều nền tư tưởng chính trị và văn hóa khác nhau, Linh thấy tầm nhìn của bản thân được mở rộng. Một năm đó cũng là khoảng thời gian khiến cô muốn theo đuổi sự nghiệp học thuật.
Quá trình học tập tại ĐH Dickinson, ĐH Oxford chính là bước đệm để đến với 5 thư mời học tiến sĩ của Phương Linh. Ảnh: NVCC.
Đến 5 thư mời học tiến sĩ
Tháng năm này, Phương Linh mới tốt nghiệp đại học. Dù vậy, đến nay, cô đã nhận thư mời học tiến sĩ tại 5 trường đại học của Mỹ. Cả 5 trường đều tài trợ cho toàn bộ chương trình học cũng như trả lương (stipend) hàng năm.
Cụ thể, ĐH Cornell trao học bổng trị giá 7,5 tỷ đồng, ĐH Boston trao 10,6 tỷ đồng, ĐH Georgetown với 11,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Phương Linh còn trúng tuyển ĐH Washington và ĐH Southern California nhưng từ chối trước khi họ đưa ra mức hỗ trợ tài chính. Năm trường đều là đại học hàng đầu, đặc biệt trong ngành Kinh tế Phát triển mà Linh lựa chọn theo học.
Chia sẻ về việc học thẳng lên tiến sĩ, Linh cho biết trước khi nộp đơn, cô cũng nhận được rất nhiều lời khuyên nên học thạc sĩ, đi làm cho các công ty hoặc làm nghiên cứu trước.
Tuy nhiên, chương trình học tiến sĩ ở Mỹ kéo dài 5 năm với 1-2 năm học đầu ngang với việc học thạc sĩ. Cô thấy việc đi học và làm thêm không phải là quá cần thiết.
Hơn nữa, sau quá trình nghiên cứu, thực tập tại trường đại học, nữ sinh nhận thấy bản thân hợp với việc học và giảng dạy nhất. Cô cũng “nghiện” tìm tòi, trả lời những câu hỏi do bản thân tự đặt ra. Vì vậy, việc lựa chọn học thẳng lên tiến sĩ không quá khó khăn.
Theo Phương Linh, mỗi ngành học có đặc thù riêng. Hồ sơ tiến sĩ ở Mỹ thường yêu cầu rất cụ thể. Người học cần chuẩn bị từ sớm. Trong đó, kết quả học tập, kinh nghiệm nghiên cứu ở bậc đại học rất quan trọng để quyết định hồ sơ có trúng tuyển không.
Ý định học tiến sĩ của Phương Linh nảy sinh sau khi cô hoàn thành chương trình học ở ĐH Oxford vào năm ba. Trở lại Mỹ vào hè năm ấy, Linh làm 2 công việc thực tập liên quan tới ngành học, bắt đầu nghiên cứu của bản thân, làm chung nghiên cứu với 3 giáo sư ở ĐH Dickinson đồng thời tìm hiểu các trường đại học, viết bài luận và bắt đầu học GRE (kỳ thi học cao học ở Mỹ).
“Lúc đó, mình chỉ còn 5 tháng để làm mọi thứ và đi học ở trường. Thời gian đấy, mình rất căng thẳng. Vì vậy, mình nghĩ nếu có ý định học lên, sinh viên nên chuẩn bị từ sớm thay vì muộn như mình”, Linh chia sẻ.
Đối với tiến sĩ Kinh tế, các trường đều đặt nặng yêu cầu ở môn Toán, Kinh tế. Trong 4 năm đại học, Linh học hơn 20 môn trong ngành, tham gia 3 nghiên cứu khác nhau ở ĐH Oxford và ĐH Dickinson. Điểm đại học và điểm GRE cũng là điều kiện cần trong hồ sơ. Tuy nhiên, theo Linh, đây không phải là điều kiện đủ vì hồ sơ tiến sĩ cạnh tranh cao.
Theo Linh, một trong những điểm mạnh trong hồ sơ là việc xác định rất rõ bản thân muốn học gì cũng như đam mê nghiên cứu. Bài luận của Linh nghiên cứu về chính sách cải tạo đất ở Việt Nam đi đúng hướng với ngành học.
Hơn nữa, việc cô từng tới nhiều nước phát triển, có nhìn nhận riêng về chính sách của các nước cũng giúp cô thuyết phục ban tuyển sinh các trường.
Sau quá trình nghiên cứu, thực tập tại trường đại học, Phương Linh nhận thấy bản thân hợp với việc học và giảng dạy nhất. Ảnh: NVCC.
Điểm dừng chân mới
Cả 5 ngôi trường gửi thư mời đều là các trường hàng đầu, Phương Linh đã dành hơn một tháng rưỡi để lựa chọn trường phù hợp nhất với mình. Vì muốn theo đuổi ngành Kinh tế Phát triển, cô chọn ĐH Cornell là điểm dừng chân tiếp theo.
Phương Linh cho biết thêm mức độ cạnh tranh vào Cornell rất cao. Năm nay, trường có 575 ứng cử viên trong khi những năm gần đây, chương trình tiến sĩ Kinh tế của trường chỉ chọn 13-19 người.
“Mình được biết Cornell có hơn 90 giáo sư Kinh tế, trong khi mỗi năm, trường có chưa tới 20 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Như vậy, cơ hội trong tương lai là rất nhiều. Mình cũng từng đọc và rất thích các nghiên cứu chính sách của giáo sư ở Cornell. Hơn nữa, Cornell ở vùng có phong cảnh thiên nhiên rất đẹp còn bản thân mình không hợp với các thành phố lớn”, Phương Linh giải thích quyết định của mình.
Thời gian này, Linh đang thực hiện dự án khoa học máy tính liên quan tới việc dự đoán kết quả của các chính sách kinh tế quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời, cô cũng làm nghiên cứu với 3 giáo sư về chính sách đóng/mở cửa trong đại dịch Covid-19 ở 50 bang nước Mỹ. Linh cho biết sẽ tiếp tục những dự án này và bắt đầu các dự án khác ở Việt Nam.
Ở tuổi 24, Phương Linh vẫn tự tin bước đi trên con đường mình chọn. Á khoa thi đại học năm ấy vào đại học năm 20 tuổi, chấp nhận xuất phát muộn hơn bạn bè cùng trang lứa để có những trải nghiệm thú vị.
“Mình thấy việc xuất phát muộn không quá quan trọng. Cuộc đời rất dài, một vài năm không là gì cả. Nhanh hay chậm không phải vấn đề, quan trọng nhất là tìm đúng hướng cho bản thân mình”, Phương Linh tâm sự.