Đa dạng hình thức giáo dục sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên

(Baohatinh.vn) - Công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh Hà Tĩnh là hoạt động quan trọng giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức để chăm sóc, bảo vệ bản thân.

Cuối tháng 9 vừa qua, Trường THPT Hương Khê phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, Chi cục Dân số tỉnh đã tổ chức hoạt động giao lưu, đối thoại sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên năm 2024.

Tại buổi giao lưu, đại diện Chi cục Dân số tỉnh đã trao đổi, phổ biến những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho gần 2.000 học sinh Trường THPT Hương Khê. Các nội dung như: sự phát triển tâm lý tuổi dậy thì; sức khỏe sinh sản vị thành niên; vấn đề tình bạn, tình yêu giới tính; vấn đề quan hệ tình dục không an toàn cùng các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường quan hệ tình dục, phòng tránh HIV/AIDS… đã được truyền đạt tới các em học sinh.

z5904374822416-60b55ea17788f783967e97801a8b047b-6051.jpg
z5904391398361-bba138df6ada48666521d231f1d38979-6278.jpg
Hoạt động đối thoại sức khỏe sinh sản vị thành niên tại Trường THPT Hương Khê có sự tham gia của gần 2.000 học sinh.

Em Trần Mai Linh - học sinh lớp 12A2 (Trường THPT Hương Khê) cho biết: “Ở độ tuổi thanh thiếu niên, chúng em rất quan tâm đến vấn đề về sức khỏe sinh sản nhưng còn nhiều e ngại khi trò chuyện, trao đổi trực tiếp với người lớn. Vì thế, những kiến thức được cung cấp tại buổi truyền thông đã giúp chúng em có thêm nhiều thông tin bổ ích và chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ bản thân”.

Ông Trần Văn Định - Trưởng phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Hương Khê) cho biết: “Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên là công tác quan trọng góp phần phòng tránh nhiều hệ lụy tiêu cực trong giới trẻ và là nền tảng nâng cao chất lượng dân số. Vì thế, việc truyền thông trực tiếp qua các buổi trò chuyện tại trường học rất cần thiết để hướng các em tới lối sống lành mạnh, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và những hậu quả đáng tiếc do quan hệ tình dục sớm ở tuổi vị thành niên”.

z5870624688563_bdb462f6366c985f4f7f46ff915b9f2d.jpg
Trong nhiều tiết học, các giáo viên ở Hà Tĩnh đã khéo léo lồng ghép nội dung về sức khỏe sinh sản để giáo dục, định hướng cho học sinh (Ảnh tư liệu).

Bên cạnh việc truyền thông về sức khỏe sinh sản trực tiếp qua các buổi giao lưu, đối thoại, các cơ sở giáo dục ở Hà Tĩnh đã linh động thực hiện các hoạt động tuyên truyền phù hợp với xu thế tiếp cận thông tin hiện nay. Theo đó, nhiều trường học đã mở rộng các hình thức truyền thông như: tư vấn trực tiếp, thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường, cung cấp thông tin qua mạng xã hội như facebook, tiktok, zalo...

Tại Trường THPT Can Lộc, tổ tư vấn tâm lý học đường của trường thành lập từ năm 2018 đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Không chỉ làm nhiệm vụ tư vấn tâm lý trực tiếp, tổ còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản, kiến thức pháp luật... Nhờ đó, học sinh đã được cung cấp các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tình bạn, tình yêu, giới tính và tự điều chỉnh hành vi phù hợp với lứa tuổi.

z5907389786734-b04520ab5ea40870f8d10a1963cf21d6-1669.jpg
Tổ tư vấn tâm lý Trường THPT Can Lộc đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các em học sinh.

Cô Phan Thị Mỹ Hồng - Thành viên tổ tư vấn tâm lý học đường (Trường THPT Can Lộc) chia sẻ: “Nhiều năm qua, tổ tư vấn tâm lý đã trở thành địa chỉ tin cậy để học sinh tìm đến mỗi khi gặp phải vấn đề tâm lý, trong đó có những chia sẻ về tình yêu, giới tính... Ngoài ra, tại Trường THPT Can Lộc, để giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh, giáo viên đã linh hoạt lồng ghép nội dung sức khỏe giới tính trong các tiết học liên quan như: Sinh học, Hoạt động trải nghiệm… Các giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm còn dành thời gian gần gũi, trò chuyện và trao đổi với học sinh một cách tự nhiên, xem giáo dục giới tính như một chủ đề thông thường để định hướng cho các em”.

Trong thời đại công nghệ số, giới trẻ có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau về sức khỏe sinh sản, tuy nhiên, lượng thông tin không được kiểm chứng còn nhiều. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho các em, gia đình, nhà trường và xã hội cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tư vấn về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh. Từ đó, giúp các em mạnh dạn chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc để được định hướng, giáo dục sức khỏe sinh sản một cách đúng đắn.

Anh Nguyễn Trung Kiên - Phó trưởng Phòng nghiệp vụ (Chi cục Dân số tỉnh)

Chủ đề Dân số KHHGĐ

Đọc thêm

Niềm tự hào của người Chứt ở bản Rào Tre

Niềm tự hào của người Chứt ở bản Rào Tre

Hồ Viết Đức là niềm tự hào của người Chứt ở bản Rào Tre (Hương Khê, Hà Tĩnh) khi trở thành sinh viên đại học. Hành trang đến giảng đường của em mang theo cả ước mơ của đồng bào dưới chân núi Cà Đay.
Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Chăm lo con chữ cho trẻ em dân tộc Chứt

Thời gian qua, sự nỗ lực của Bộ đội Biên phòng, cấp ủy chính quyền và các trường học đã giúp học sinh dân tộc Chứt (Hương Khê, Hà Tĩnh) hoà nhập và yên tâm học tập.
Rèn thói quen đọc sách cho con

Rèn thói quen đọc sách cho con

Hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách, nhiều phụ huynh ở Hà Tĩnh đã rèn luyện thói quen này cho con và cùng con khám phá những điều mới mẻ, thú vị trong thế giới tri thức rộng lớn.