Từ ngày 3/5 - 26/5/2024, thực hiện chiến dịch truyền thông khám sàng lọc và chăm sóc sức khỏe cho người dân, Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn đã phối hợp với Công ty cổ phần Hóa sinh Việt Nam (đơn vị trực thuộc Đề án 818, Cục Dân số - Bộ Y tế) tổ chức khám, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống, phát hiện một số bệnh thường gặp cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Tại 25/25 xã, thị trấn, các đơn vị phối hợp đã tổ chức khám, cung cấp một số dịch vụ miễn phí như: khám phụ khoa, đo huyết áp, test nhanh đường huyết, đo chỉ số cơ thể, siêu âm tổng quát, siêu âm tuyến vú…
Y sĩ Hoàng Ái Quốc - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Kim 1 cho biết: “Tại chiến dịch truyền thông khám sàng lọc và chăm sóc sức khỏe được tổ chức vào ngày 15/5 vừa qua, người dân trên địa bàn đã được thăm khám, tư vấn chăm sóc SKSS.
Đồng thời, được truyền thông về Đề án 818, từ đó có thêm kiến thức về việc lựa chọn các phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm trong thực hiện mục tiêu DS-KHHGĐ để từng bước góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn”.
Tại xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh), trong chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1 năm 2024, ngoài việc được tư vấn sức khỏe, người dân địa phương cũng đã được giới thiệu về Đề án 818. Nhiều kiến thức, tài liệu về xã hội hóa các phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ/SKSS… đã được truyền tải tới người dân.
Y sĩ Nguyễn Văn Lâm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Thư, cho biết: “Đề án 818 đã được lồng ghép trong chiến dịch chăm sóc SKSS đợt 1 năm 2024 của xã Kỳ Thư. Trong chiến dịch này đã có gần 130 người dân, phần lớn là chị em phụ nữ đến khám và nghe tư vấn. Từ hoạt động tư vấn truyền thông này, người dân đã được tiếp cận gần hơn với Đề án 818. Điều này không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn làm thay đổi dần nhận thức của người dân về việc chủ động tham gia các phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.”
Ngày 12/3/2015, Bộ Y tế phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (Đề án 818). Đề án thực hiện mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS- KHHGĐ.
Tiếp đó, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng).
Tại Hà Tĩnh, tháng 10/2019, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai đến năm 2030 trên địa bàn. Đến nay, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, đã có khoảng gần 60% xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện lồng ghép Đề án 818 vào chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Đến thời điểm này, đã có 8/13 địa phương ở Hà Tĩnh thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đợt 1 năm 2024. Các địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị, công ty trực thuộc Đề án 818 thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, nâng cao công tác dân số.
Việc triển khai chiến dịch tại các địa phương đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận, các gói dịch vụ đạt từ 70-80% kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương đã thực hiện chiến dịch hiệu quả, thu hút đông đảo chị em trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Dự kiến, các địa phương trên toàn tỉnh sẽ hoàn thành chiến dịch muộn nhất vào ngày 30/6.
Việc triển khai truyền thông lồng ghép Đề án 818 đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân trên địa bàn. Người dân được hưởng lợi một số dịch vụ khám miễn phí mà các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ như: test tiểu đường, đo huyết áp, đo chỉ số cơ thể, siêu âm tổng quát, siêu âm ổ bụng… Cũng thông qua đợt truyền thông này đã giúp người dân thay đổi nhận thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ; chủ động, có trách nhiệm hơn khi tham gia các dịch vụ để bảo vệ, nâng cao chất lượng SKSS cho bản thân, xây dựng gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc, góp phần ổn định dân số và phát triển bền vững.