Công trình tiền tỷ này đã "ngủ quên" hơn 15 năm trên đỉnh núi Nài
Mục sở thị công trình có giá trị xây lắp 2,7 tỷ đồng thời ấy, chúng tôi chỉ nhận thấy sự “bỏ không” đáng tiếc. Một số hạng mục đầu tư lâu năm, nay đã xuống cấp. Mương thoát nước có nắp đậy chạy xung quanh đài nước bị hư hỏng nhiều chỗ, tạo thành hố sâu khoảng 1m, rất nguy hiểm.
Một thành viên Ban Quản lý chùa Cảm Sơn cho biết: Tại đây, đã có rất nhiều ô tô vì khuất tầm nhìn và nhầm đường vào chùa đã rơi bánh xuống hố. Ông cũng cho biết thêm: Từ lâu không thấy đài nước này hoạt động.
Nhiều ô tô đã "sập bẫy" hố sâu nguy hiểm này.
Trao đổi về công trình này, ông Võ Ngọc Vinh - Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cho biết: “Đài cấp nước đặt trên núi Nài do Chính phủ Úc tài trợ với mục đích điều hòa áp lực nước, cung cấp nước có hiệu quả cho địa bàn TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi đi vào sử dụng từ năm 2000, công trình này không đem lại hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Đến năm 2007, khi chúng tôi sử dụng hệ thống biến tần nhằm tiết kiệm điện, chủ động hơn trong điều hòa lưu lượng nước thì công trình này không còn phù hợp”.
Ông Vinh còn cho biết: “Năm 2015, khi tiến hành cổ phần hóa, công ty đã không đưa hạng mục đài cấp nước này vào danh mục đánh giá tài sản doanh nghiệp. Hiện chúng tôi đang làm văn bản để đề nghị tỉnh thanh lý theo quy định”.
Một số hạng mục công trình nay đã xuống cấp, gây nguy hiểm.
Tìm hiểu thông tin từ phía TP Hà Tĩnh, bà Đậu Thị Thủy - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho hay: “Khi còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND thành phố, tôi đã nghe nhiều ý kiến phản ánh về việc một công trình không có hiệu quả mà lại chiếm lĩnh không gian di tích văn hóa, đề nghị tháo dỡ, trả lại cảnh quan. Tuy nhiên, do vướng cam kết về thời gian với đơn vị tài trợ nên việc tháo dỡ không thực hiện được. Có thời điểm, thành phố đã dùng sắt thép, trang trí nơi đây thành biển quảng cáo sự kiện cỡ lớn nhưng vì sức gió lớn, toàn bộ tấm biển bị hư hỏng”.
Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Cảnh Thụy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nêu quan điểm: “Việc cần làm đối với núi Nài là quy hoạch, bố trí không gian tạo dấu ấn văn hóa, lịch sử. Đài cấp nước ở vị trí đó là không phù hợp. Thay vào đó, nơi này cần xây dựng không gian dạng bảo tàng ngoài trời, lưu lại chứng tích chiến tranh; có thể bố trí các hiện vật thời chiến như trạm ra đa, xác máy bay, pháo cao xạ... Không nên xây dựng các công trình cao tầng xung quanh núi Nài vì làm như thế, núi Nài sẽ bị khuất lấp, không còn ý nghĩa như mong muốn”.
Núi Nài là niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh, bởi vậy, việc bố trí không gian ra sao cần được tính toán kỹ, để một mặt, vừa khơi dậy niềm tự hào về tinh thần chiến đấu của quân và dân Hà Tĩnh năm xưa, một mặt tạo điểm nhấn cảnh quan cho đô thị TP Hà Tĩnh. Bởi vậy, đã đến lúc, công trình cấp nước trên đỉnh núi Nài cần được tháo dỡ, thay vào đó, nghiên cứu phục dựng lại không gian một cách phù hợp, có ý nghĩa, giá trị lâu dài nhất.