Đại lộ hơn 4.000 tỷ đồng nối Vinh - Cửa Lò trước ngày thông xe

Đại lộ Vinh - Cửa Lò, tuyến đường lớn nhất tỉnh Nghệ An, có điểm rộng nhất đến 290 m, dự kiến thông xe trước ngày 15/8 sau 13 năm thi công.

Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2010, vốn đầu tư 4.157 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Đường dài 10,8 km, mặt đường rộng 160 m; điểm đầu giao với đường Trương Văn Lĩnh (xã Nghi Phú, TP Vinh), điểm cuối giao với đường Bình Minh (thị xã Cửa Lò).

Đường đi qua 7 phường và xã của TP Vinh, huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò. Không gian đô thị sẽ được chia thành 5 phân khu chức năng riêng như thương mại, đào tạo, không gian xanh, du lịch, giải trí...

Trong ảnh là điểm đầu đại lộ Vinh - Cửa Lò ở xã Nghi Phú, TP Vinh và phối cảnh công trình khi hoàn thành.

Dự án khởi công từ năm 2011, đến 2015 thì tạm dừng do thiếu vốn. Đường tái khởi động tháng 11/2017, đến năm 2021 thì thông xe mỗi chiều rộng 9 m.

Ngày 10/8, đại lộ Vinh - Cửa Lò cơ bản hoàn thành, mặt đường ở các hướng đã thảm nhựa toàn bộ. Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An, đường dự kiến thông xe trước ngày 15/8.

Đại lộ Vinh - Cửa Lò được thiết kế có dải phân cách giữa và dải phân cách 2 bên. Đường chính rộng 32 m với thiết kế 8 làn xe cơ giới, mỗi bên rộng 16m gồm 4 làn xe. Đường gom (hoàn thành giai đoạn một) mỗi bên 2 làn rộng 9 m. Tuyến đường có điểm rộng nhất đến 290 m.

Ngoài trục giao thông, đồ án bố trí tàu điện chạy trong dải cây xanh giữa tuyến đường; các ga có vị trí tại trung tâm phân khu để kết nối toàn tuyến, tương lai nghiên cứu phát triển về phía tây để kết nối với ga đường sắt cao tốc quốc gia.

Khu đất rộng ở giữa tuyến đoạn qua khu vực thị xã Cửa Lò sẽ được quy hoạch làm quảng trường. Công trình dự kiến có chiều rộng hơn 200 m, chiều dài 500 m, tổng diện tích công trình hơn 10.000 m2.

Đến nay, khu vực quảng trường cơ bản đã xong mặt bằng và các hướng đường chính.

Toàn tuyến có nhiều mương nối cống. Theo nhà thầu, qua dải phân cách giữa làm mương hở để thoát nước ngang nhằm tiết kiệm kính phí.

Đầu tháng 8, các đảo giao thông trên tuyến đã xong. Đảo có vai trò phân tách luồng giao thông, dẫn các luồng xe đi theo những hướng nhất định nhằm nâng cao an toàn xe chạy và khả năng thông xe của nút, giúp giảm bớt các điểm xung đột nguy hiểm...

Vướng mắc mặt bằng là một trong những lý do khiến đại lộ Vinh - Cửa Lò thi công chậm, không đạt tiến độ đề ra. Quá trình thi công nhà chức trách đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người dân đồng thuận.

Trong ảnh là đoạn đường qua xã Nghi Đức, TP Vinh đầu tháng 8 và mặt bằng dang dở do vướng nhà dân hồi tháng 12/2020.

Dự án có điểm giao với đường tỉnh 537C (trước đây gọi là đường ven biển) ở đoạn qua huyện Nghi Lộc. Vị trí này giúp kết nối thông suốt vùng biển Nghệ An đến vùng biển các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Điểm cuối giao với đường Bình Minh (thị xã Cửa Lò) đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm trước. Do chưa thông toàn tuyến nên nhà chức trách chưa làm các hạng mục ở giữa, nơi cây cỏ đang mọc xen lẫn.

Những ngày này, nhà thầu huy động công nhân, máy móc ra công trường từ lúc sáng sớm để làm những hạng mục cuối như lắp đặt dải phân cách, sơn kẻ đường, đấu nối điện chiếu sáng...

Sáng 10/8, công nhân đang lát đá vỉa hè để kịp cho tiến độ thông xe sau đó 5 ngày. "Trời nắng nên mọi người phải tranh thủ làm từ sớm để giữ sức khỏe. Thấy đường cơ bản hoàn thành sau hàng chục năm dài đằng đẵng, ai cũng phấn khởi", công nhân Nguyễn Văn Thành nói.

Công trình là trục giao thông kết nối TP Vinh và thị xã Cửa Lò - khu đô thị biển nổi tiếng - được kỳ vọng sẽ mở rộng không gian phát triển cho công nghiệp du lịch cũng như nuôi trồng chế bến thủy sản, tạo cơ sở thu hút đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Ảnh chụp toàn cảnh thị xã Cửa Lò bằng hiệu ứng panorama.

Vị trí đại lộ Vinh - Cửa Lò. Đồ hoạ: Đăng Hiếu

vnexpress.net

Đọc thêm

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.