Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh trước cơ hội đón “gió mới”

(Baohatinh.vn) - Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn - Hà Tĩnh) để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 được kỳ vọng sẽ “giải cứu” KKT này sau nhiều năm lâm cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

KKT Cầu Treo - một thập kỷ ảm đạm

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh trước cơ hội đón “gió mới”

Khu vực cổng B – KKT Cửa khẩu Cầu Treo lâm cảnh đìu hiu nhiều năm qua

Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích tự nhiên 56.865 ha gồm các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn của huyện Hương Sơn.

Theo Quyết định 162, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT. Nhờ vậy, khoảng 3 năm đầu (giai đoạn 2007-2010) đã thu hút hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ cá thể tham gia đầu tư SXKD, tạo thành một KKT năng động, sầm uất, biến Cầu Treo thành điểm sáng về phát triển kinh tế của tỉnh.

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh trước cơ hội đón “gió mới”

Quốc lộ 8A - tuyến đường huyết mạch lên Cửa khầu Cầu Treo bị hư hỏng, xống cấp nhiều năm chưa được nâng cấp, sửa chữa.

Tuy nhiên, thời kỳ “vàng son” không kéo dài được bao lâu. Gần 10 năm lại nay, KKT Cầu Treo lâm cảnh đìu hiu, những chuyến hàng ngược xuôi giảm hẳn, khu công nghiệp, nhà máy chỉ là những bãi đất trống mênh mông, cỏ mọc um tùm với những cột bê tông xây dở dang.

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh trước cơ hội đón “gió mới”

KCN Đại Kim (KKT Cầu Treo) sau nhiều năm thành lập chỉ là bãi đất trống mênh mông,

Theo ông Phan Thăng Long – Phó Trưởng ban quản lý KKT tỉnh, nguyên nhân do các chính sách ưu đãi trong KKT chưa có tính chất ổn định dài hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư thực sự an tâm đầu tư, phát triển. Đặc biệt, hạ tầng thiếu đồng bộ.

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh trước cơ hội đón “gió mới”

Đoạn đường giữa hai cửa khẩu Cầu Treo - Nậm Phao quá nhỏ hẹp nên thường xuyên xẩy ra ách tắc, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu.

“Việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư bị động, lúng túng trong kế hoạch SXKD, không muốn đầu tư dài hạn vào KKT.

Cùng với đó, Quốc lộ 8A - tuyến đường huyết mạch lên cửa khầu Cầu Treo bị hư hỏng, xống cấp nhiều năm chưa được nâng cấp, sửa chữa. Hạ tầng khu vực 2 bên cửa khẩu chật hẹp, không được đầu tư mở rộng khiến hoạt động xuất nhập hàng hóa mất nhiều thời gian” – ông Phan Thăng Long cho hay.

Cơ hội “giải cứu” KKT cửa khẩu Cầu Treo

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh trước cơ hội đón “gió mới”

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh khảo sát Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phao (ngày 14/11/2020).

KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có vị trí chiến lược trong phát triển KT-XH, giữ gìn QPAN và phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Lào, Thái Lan và Mianmar; phát huy hành lang kinh tế Đông Tây, vùng Đông Bắc Thái Lan; kết nối hệ thống giao thông quốc gia đường 8A, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, tạo điều kiện để khai thác lợi thế của KKT Vũng Áng, đô thị thành phố Hà Tĩnh và các khu công nghiệp khác của tỉnh Hà Tĩnh.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cùng 7 KKT cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo hướng dẫn các địa phương nâng cao vai trò định hướng, dẫn dắt của nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nhằm thu hút và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ cho sự phát triển bền vững của các KKT cửa khẩu.

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh trước cơ hội đón “gió mới”

Hạ tầng khu vực Cửa khẩu Cầu Treo chật hẹp, cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng để đảm bảo tập kết phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu

Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Lê Trung Phước cho biết, thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng KKT chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho các khu chức năng. Đến nay chưa có một khu chức năng nào của KKT được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch.

“Sau khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý KKT tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các bộ ngành Trung ương để bố trí vốn thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng và triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KKT theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trong đó quan tâm ưu tiên vốn để thực hiện dự án hạ tầng kỹ thuật cổng A đã được phê duyệt; có chính sách ưu tiên đầu tư vốn từ nguồn ngân sách tỉnh hằng năm để đầu tư sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng của KKT Cầu Treo, thúc đẩy việc thu hút các dự án” - ông Lê Trung Phước cho hay.

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo Hà Tĩnh trước cơ hội đón “gió mới”

KKT Cầu Treo có nhiều tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Minh Lý

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự bám nắm kịp thời, linh hoạt của tỉnh và cơ quan liên quan, kỳ vọng KKT cửa khẩu Cầu Treo sẽ được “đánh thức”, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển xứng tầm.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast