Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp vốn phục vụ nền kinh tế những tháng cuối năm

(Baohatinh.vn) - Giai đoạn cuối năm là thời điểm người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh gấp rút hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Khả năng hấp thụ nguồn vốn khá tốt của doanh nghiệp trong thời điểm này cho thấy sự phục hồi tích cực của nền kinh tế sau những “rào cản” mà đại dịch gây ra.

Tháng 10 trở đi thường là giai đoạn sôi động đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế. Để gấp rút hoàn thành mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm, các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đều tập trung nguồn vốn lớn phục vụ đầu tư. Nắm bắt nhu cầu này, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp vốn phục vụ nền kinh tế những tháng cuối năm

Cán bộ Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ kinh doanh Trần Thị Hiếu (TP Hà Tĩnh).

Đầu tháng 10/2021, gia đình bà Trần Thị Hiếu (đường Nguyễn Chí Thanh – TP Hà Tĩnh) được Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II giải ngân 2,3 tỷ đồng để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Bà Hiếu cho hay: “Gia đình tôi chuyên buôn bán xe đạp các loại; phụ tùng xe đạp, xe máy; đồ sắt… Giai đoạn cuối năm, nhận định sức mua sẽ tăng mạnh do vậy chúng tôi đã nhập về lượng hàng lớn để phục vụ thị trường. Rất may, chúng tôi được tiếp cận gói vay hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 với lãi suất thấp, chỉ 4,5%/năm”.

Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp vốn phục vụ nền kinh tế những tháng cuối năm

Nhân viên Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II tiếp nhận đề nghị vay vốn của khách hàng.

Theo Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II Nguyễn Mạnh Tuấn, dư nợ tháng 10/2021 của toàn chi nhánh đã tăng gần 350 tỷ đồng so với tháng 9/2021, nâng tổng số dư nợ đến thời điểm này đạt trên 9.800 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, dự kiến dư nợ của chi nhánh sẽ gia tăng trên 300 tỷ đồng. Khả năng hấp thụ nguồn vốn khá tốt của các cá nhân, doanh nghiệp trong thời điểm này cho thấy sự phục hồi tích cực của nền kinh tế sau những “rào cản” mà đại dịch gây ra.

Thời điểm này, Vietcombank Hà Tĩnh cũng đang chủ động cấp vốn cho nền kinh tế những tháng cuối năm. Bà Trần Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh cho hay: “Tháng 10 trở đi là “chặng nước rút” để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp khép lại kế hoạch cả năm, bởi vậy mà nhu cầu vốn rất lớn. Chúng tôi đã linh hoạt về thủ tục, hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn trong thời gian nhanh nhất.

Theo đó, đơn vị đã giảm lãi suất cho khách hàng vay mới từ 0,5% lên đến 2%/năm nhằm chia sẻ khó khăn trước tác động xấu của đại dịch COVID-19. Dư nợ của toàn chi nhánh đến 31/10/2021 đạt 9.045 tỷ đồng”.

Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp vốn phục vụ nền kinh tế những tháng cuối năm

Công ty CP Sao Mai đang được Vietcombank Hà Tĩnh cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Công ty CP Sao Mai (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) chuyên sản xuất bao bì phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Doanh nghiệp này là đối tác quen thuộc của Vietcombank Hà Tĩnh. Hiện nay, chi nhánh đang cho vay hàng chục tỷ đồng để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. 2 tháng cuối năm, công ty phấn đấu sản xuất và tiêu thụ trên 10 triệu vỏ bao, doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu của doanh nghiệp năm 2021 lên khoảng 280 tỷ đồng.

Không riêng hệ thống ngân hàng mà thời điểm này các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) cũng đang rà soát nhu cầu vay vốn đầu tư của khách hàng và giải ngân kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.

Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp vốn phục vụ nền kinh tế những tháng cuối năm

Khách hàng vay vốn tại Quỹ TDND Liên xã Nhượng Lĩnh để sửa chữa tàu thuyền.

Ông Nguyễn Tiến Tâm – Giám đốc Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh (Cẩm Xuyên) thông tin: “Chúng tôi hoạt động trên địa bàn 2 xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh, tổng dư nợ đến thời điểm này đạt 141 tỷ đồng, với trên 700 khách hàng đang vay vốn. Để phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối năm, ngay từ tháng 8/2021, đơn vị đã thiết kế gói vay 10 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (0,65%/năm) nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thời điểm này, các hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu vay vốn để thu mua, chế biến thủy hải sản; đầu tư thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá; đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ phục vụ đánh bắt thủy hải sản… Thời gian tới, nhu cầu về vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn dự kiến sẽ còn tăng mạnh”.

Cũng theo ông Tâm, bên cạnh cấp vốn, Quỹ TDND liên xã Nhượng Lĩnh đã triển khai nghiêm túc các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, đơn vị đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 385 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu là 65 tỷ đồng. Ngoài ra, từ 1/8/2021 – 31/12/2021, quỹ đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 1%/năm đối với dư nợ hiện hữu cho 100% khách hàng.

Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp vốn phục vụ nền kinh tế những tháng cuối năm
Ngân hàng Hà Tĩnh tiếp vốn phục vụ nền kinh tế những tháng cuối năm

Dư nợ toàn địa bàn đến 31/10/2021 đạt khoảng 69.932 tỷ đồng, tăng 16,06% so với cuối năm 2020.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, dư nợ toàn địa bàn đến 31/10/2021 đạt khoảng 69.932 tỷ đồng, tăng 16,06% so với cuối năm 2020.

Trong đó, một số lĩnh vực tăng trưởng khá như: Tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn đến 30/9/2021 đạt 25.900 tỷ đồng (tăng 21,16% so với cuối năm 2020 và chiếm khoảng 37% dư nợ toàn địa bàn); dư nợ doanh nghiệp đến 30/9/2021 đạt 23.999 tỷ đồng (tăng 16,42% so với cuối năm 2020 và chiếm trên 34% dư nợ toàn địa bàn)...

Hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, từ 13/3/2020 đến 30/9/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 803,3 tỷ đồng cho 1.246 khách hàng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ là 338,27 tỷ đồng cho 345 khách hàng; giảm, hạ lãi suất cho 86.311 khách hàng với số dư nợ 45.002 tỷ đồng, số tiền lãi được hạ 103,63 tỷ đồng.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast