TP Hà Tĩnh chi 16 tỷ đồng “trả nợ” hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Sau 9 năm dang dở, khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) đã được UBND TP Hà Tĩnh chi 16 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, đảm bảo đời sống dân sinh.

TP Hà Tĩnh chi 16 tỷ đồng “trả nợ” hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du

Mặc dù đã mở bán đấu giá 210 lô đất, song hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du, xã Thạch Hưng vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh.

Dự án hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2471/QĐ-UBND ngày 12/8/2009. Đến năm 2012, dự án chính thức mở bán đấu giá thành công với 210/282 lô đất trong khu quy hoạch.

Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, khu quy hoạch này chưa thể tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất, mở bán 72 lô còn lại. “Nút thắt” lớn nhất mà khu quy hoạch này gặp phải chính là tồn đọng 1.600 m2 thuộc phần đất của 6 hộ dân chưa thể GPMB (trong đó có diện tích phục vụ thi công đường giao thông khoảng 700 m2).

Điều đó kéo theo hệ lụy về đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuyến đường giao thông mới chỉ được thi công cấp phối đá dăm lớp dưới; thiếu hệ thống điện chiếu sáng, vỉa hè… gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

TP Hà Tĩnh chi 16 tỷ đồng “trả nợ” hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du

Khu vực dự án vẫn còn “vướng” 1.600 m2 chưa GPMB...

Ông Phạm Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Dự án hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du được đầu tư từ vốn vay của Bộ Tài chính. Theo quy định, nguồn thu sau bán đấu giá quyền sử dụng đất được UBND tỉnh trích lại vào tài khoản tạm thu của ngân sách TP Hà Tĩnh để thực hiện các nội dụng theo thứ tự ưu tiên, gồm: trả nợ vay ngân sách; chi trả chi phí thuê bán đấu giá, quy hoạch, đo vẽ vùng bán đấu giá đất và bổ sung chi phí bồi thường, GPMB. Tuy nhiên, do nguồn vốn hỗ trợ hạn hẹp nên trong những năm qua, địa phương chưa thể giải quyết dứt điểm các tồn đọng tại khu vực dự án”.

TP Hà Tĩnh chi 16 tỷ đồng “trả nợ” hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du

Do nguồn vốn hạn hẹp nên TP Hà Tĩnh gặp khó khăn trong hoàn chỉnh hạ tầng vùng dự án.

Ngoài ra, tại thời điểm triển khai, dự án gặp phải một số vướng mắc liên quan đến thống nhất phương án bồi thường, GPMB của một số người dân có đất nằm trong khu quy hoạch.

Mới đây, UBND TP Hà Tĩnh đã quyết định bố trí 16 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất các lô thuộc các khu hạ tầng sử dụng vốn vay Bộ Tài chính để hoàn thiện vùng quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du. Theo đó, số tiền này sẽ được dùng để hoàn chỉnh những phần hạ tầng còn dang dở như: thi công phần cấp phối lớp dưới và thảm nhựa các tuyến đường trong khu vực đã bán đấu giá; làm đường điện chiếu sáng và GPMB những diện tích còn vướng mắc.

“Hiện nay, thành phố đã hoàn thành cắm mốc GPMB và đang gấp rút triển khai công tác xây dựng đơn giá để tiến hành kiểm đếm, thống nhất phương án và chi trả bồi thường theo đúng quy định. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của người dân có đất trong khu vực GPMB, đẩy tiến độ dự án, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các hộ dân. Phấn đấu, trong quý I/2021 sẽ hoàn thành xong GPMB, bàn giao thi công” - ông Phạm Hùng Cường cho biết.

TP Hà Tĩnh chi 16 tỷ đồng “trả nợ” hạ tầng khu quy hoạch phía Nam đường Nguyễn Du

UBND thành phố đã chi 16 tỷ đồng để thi công phần cấp phối lớp dưới và thảm nhựa các tuyến đường trong khu vực đã bán đấu giá; làm đường điện chiếu sáng và GPMB những diện tích còn vướng mắc.

Quyết định của UBND thành phố giúp người dân sớm đảm bảo nhu cầu thiết yếu, tiến đến xây dựng khu dân cư hiện đại, văn minh. Đây cũng chính là bước mở đầu cho UBND thành phố tiếp tục lựa chọn, đưa vào danh mục trình tỉnh mở bán đấu giá đối với những lô đất còn lại nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo tính kết nối đồng bộ trong phát triển đô thị của thành phố trong giai đoạn mới.

Ông Lê Trung Liện - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hưng cho biết: “Địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thiện công tác GPMB, giúp dự án sớm triển khai. Việc giải quyết dứt điểm các tồn đọng về cơ sở hạ tầng sẽ giúp địa phương giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, đường giao thông, tiêu thoát nước…, qua đó củng cố vững chắc các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Quan trọng nhất là đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, phát triển của người dân”.

Chủ đề Đầu tư công

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast