Dạy con yêu sớm

Cô bé lớp 10 cởi chiếc mũ trên đầu xuống, cho tôi xem mái tóc bị cắt nham nhở và nói trong nước mắt: “Bố mẹ đã làm như vậy để em phải xấu hổ mà chấm dứt tình yêu”.

Hôm đó, tôi có cuộc trò chuyện với gần 300 em nhỏ trong độ tuổi 13 đến 19, đang tham gia khóa tu tập tại một nhà chùa. Người tổ chức chương trình cho tôi biết, đa phần các em ở đây bị cho là trẻ hư, được cha mẹ đưa đến chùa với hy vọng con mình thay đổi tâm tính sau khóa tu tập kéo dài bốn tuần.

Dạy con yêu sớm

Ảnh minh họa

Tôi được mời đến trò chuyện, giúp các em giải tỏa những khúc mắc trong lòng. Và cô bé lớp 10 với mái tóc nham nhở muốn tôi giúp em hiểu vì sao bố mẹ sợ con cái yêu sớm đến thế.

Tôi hoàn toàn có thể giải thích với em vì sao chuyện này lại trở thành nỗi lo thường trực của các bậc cha mẹ, ví dụ bằng cách dẫn ra các con số. Trong khoảng 300.000- 400.000 ca phá thai mỗi năm mà Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) công bố, 60%-70% đang là học sinh sinh viên 15 đến 19 tuổi. Con số đó chỉ ghi nhận được từ các bệnh viện, chưa tính đến hàng trăm, nghìn phòng khám tư hoặc những địa điểm phá thai chui. Theo thống kê của Tổng cục Dân số, tỷ lệ phá thai ở Việt Nam 10 năm gần đây giảm rõ rệt nhưng tỷ lệ này ở tuổi vị thành niên lại tăng đến 20%.

Cha mẹ nào mà không lo lắng khi con mình bước vào lứa tuổi khó nắm bắt này. Nhiều bậc phụ huynh còn cực đoan cho rằng con cái yêu sớm chừng nào cha mẹ sớm mất con chừng đó.

Sau hơn 20 năm làm việc tại một tòa soạn báo dành cho lứa tuổi 13 đến 19, tôi có thể khẳng định, tình yêu là mối quan tâm bậc nhất của lứa tuổi này. Trong hàng triệu lá thư gửi đến anh Chánh Văn, là tôi, thắc mắc về tình yêu chiếm đến 70%. Tác động của mạng xã hội, phim ảnh, sách báo càng khiến bọn trẻ ngày một yêu sớm hơn.

Thay vì cuống lên tìm cách ngăn con yêu sớm, cha mẹ chỉ còn có thể nghĩ làm sao để con yêu an toàn và lành mạnh.

Trong phim Tây Du Ký , tôi rất thích đoạn Phật Tổ Như Lai thách Tôn Ngộ Không bay ra khỏi bàn tay của mình. Tôi nghĩ cha mẹ nào cũng cần một bàn tay như thế. Mở thay vì nắm. Bằng lòng yêu con, hiểu con mình, cha mẹ để bàn tay ấy mở suốt chặng bay của con cái. Mà làm cha mẹ vốn là như vậy. Làm gì có chuyện con lớn rồi cha mẹ không phải lo lắng nữa. Con yêu sớm, đừng ngăn cản, hãy yêu cùng con; đưa tình yêu của con vào cuộc sống, sự quan tâm của chính mình, giữ tình yêu ấy trong tầm mắt của cha mẹ. Cha mẹ có thể nghĩ đơn giản, đó là một tình bạn khác giới của con để đối đãi tử tế với bạn trai, bạn gái của con mình.

Khi cha mẹ xác định được tâm thế đó, con cái mới dễ dàng mở lòng chia sẻ. Càng công khai bao nhiêu càng dễ tránh khỏi những bất an. Bởi con người chỉ trở nên bất an khi không biết, không thấy, không hiểu.

Yêu sớm (và cả yêu muộn) không đáng trở thành nỗi lo lắng, quan trọng là cách con chúng ta yêu. Dạy con cách yêu an toàn và lành mạnh không chỉ bằng trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản, mà còn là dạy con trân trọng bản thân, làm chủ bản thân và biết đòi hỏi sự tôn trọng của mọi người dành cho mình. Trẻ cần biết yêu bản thân trước khi yêu một ai đó. Một đứa trẻ biết yêu bản thân sẽ không cho phép bất cứ ai làm tổn hại đến bản thân mình.

Những đứa trẻ mới lớn cũng cần hiểu sâu xa về tình yêu rộng lớn, không chỉ dừng lại ở mối quan hệ nam nữ, còn là yêu gia đình, yêu thiên nhiên, cộng đồng, đất nước, yêu những điều bé nhỏ mà con đang say mê. Hạnh phúc có thể đến từ bất cứ đâu chứ không chỉ ở việc yêu một bạn nào đó hay được bạn nào đó yêu con.

Một đứa trẻ yêu sớm nhưng yêu đúng tốt hơn một đứa trẻ yêu muộn mà yêu sai. Khi con bước vào tình yêu là lúc cha mẹ có cơ hội cùng con nói về tình yêu một cách hào hứng và nhận ra thêm nhiều giá trị.

Dù có thể thay bố mẹ em, giải thích với cô bé lớp 10 bằng nhiều cách, nhưng cuối cùng tôi đã gửi em một lời xin lỗi. Tôi xin lỗi vì người lớn chúng tôi - những người đã làm cha, làm mẹ lâu năm nhưng vẫn luôn bỡ ngỡ với những thứ mới mẻ trong từng giai đoạn phát triển của con cái, nên cũng có những lúc sai lầm.

Chính chúng tôi cũng phải học cách yêu con mỗi ngày. Bởi tình yêu là điều đúng đắn nhưng sẽ phải trải qua vô số sai sót trong quá trình tốt đẹp lên.

Theo Hoàng Anh Tú/ VNE

Đọc thêm

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

8 kiểu tư duy khiến bạn nghèo

Tư duy sai nghĩa là bạn nhìn thế giới qua lăng kính của sự khan hiếm và thiếu thốn, không thấy được sự phong phú và những cơ hội xung quanh mình.
Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.
Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.