Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 tăng cường vận dụng thực tiễn

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Bộ tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, hôm 30/1 cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm ngoái, diễn ra vào nửa đầu tháng 7. Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12 và sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học.

“Việc này đã được thực hiện hai năm qua, nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học của chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Chương nói.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương thi cử, theo dự thảo sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT công bố hồi đầu tháng.

Theo đó, thí sinh không còn được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, chỉ được mang bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và Atlat Địa lý Việt Nam (khi thi môn Địa lý).

Thí sinh cũng không được rời khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian làm bài mà ở tại phòng chờ trong thời gian còn lại. Ngoài ra, thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến, ngoài việc đăng ký trực tiếp tại trường.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 tăng cường vận dụng thực tiễn

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp 2022 tại trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận ngày 6/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo ông Chương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các bên liên quan tập huấn phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao. Các tỉnh, thành cũng sẽ chủ động tổ chức kỳ thi theo quy định, chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong 2,5 ngày với ba bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).

Năm 2022, kỳ thi diễn ra từ 7 đến 8/7, với hơn một triệu thí sinh đăng ký. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn 570.000 thí sinh trúng tuyển đại học, hơn một nửa (52,38%) dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển - tỷ lệ cao nhất trong hơn 20 phương thức tuyển sinh.

Theo VNE

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.