Dịch bệnh kéo dài, tiểu thương... thở dài!

(Baohatinh.vn) - Dịch COVID-19 hoành hành khiến các quán ăn, nhà hàng, tiệm cà phê ở TP Hà Tĩnh phải “gồng mình” để bám trụ. Điều mong mỏi nhất của họ lúc này là dịch bệnh sớm được kiểm soát để trở lại kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.

Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, nhà hàng Sen Vàng (đường Lê Duẩn) đón khoảng 10 bàn khách, doanh thu hơn 10 triệu đồng thì những ngày tạm ngưng đón khách tại chỗ để phòng dịch, nhà hàng chỉ nhận được lẻ tẻ vài đơn ship. Doanh thu giảm mạnh khiến nhà hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực.

Dịch bệnh kéo dài, tiểu thương... thở dài!

Tạm ngưng đón khách tại chỗ, nhà hàng Sen Vàng phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc vì không kham nổi chi phí.

Gần 6 năm làm nhà hàng, chưa khi nào anh Trần Hoàng Hà – chủ nhà hàng Sen Vàng lại chật vật như thời điểm dịch bệnh này. Anh Hà thở dài: “Trước đây, nhà hàng có 8 nhân viên, mỗi tháng chi phí để duy trì hoạt động khoảng 60 triệu đồng. Khó khăn từ những đợt dịch trước, quán phải cắt giảm xuống còn 5 nhân viên và cũng chỉ mở cửa từ sau 16h để giảm phần nào tiền điện, tiền lương. Tuy nhiên, đợt vừa rồi, khi phải tạm dừng đón khách, tôi buộc phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc vì không thể kham nổi chi phí.

Từ khi đóng cửa không đón khách tại chỗ, mỗi ngày chúng tôi thu về từ các đơn ship chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng, trừ các chi phí, lời lãi chẳng còn bao nhiêu".

Dịch bệnh kéo dài, tiểu thương... thở dài!

Dù không mở quán đón khách nhưng nhà hàng Sen Vàng vẫn phải chạy tủ đông, tủ mát để bảo quản thực phẩm nên tiền thuê mặt bằng, tiền điện mỗi tháng đã gần 15 triệu đồng.

Kinh doanh quán cà phê là nguồn thu nhập duy nhất của chị Lê Mỹ Hằng – chủ quán cà phê Mỹ Hằng (đường La Sơn Phu Tử). Thế nên, dịch bệnh xuất hiện, khách vắng, doanh thu sụt giảm khiến cuộc sống của chị rơi vào cảnh khó khăn.

Đặc biệt, những ngày quán phải đóng cửa phòng dịch, lượng đơn hàng online không đáng kể nên nguồn thu gần như không có, chị Hằng đang lo lắng không biết phải làm sao để trụ được những ngày tiếp theo.

Dịch bệnh kéo dài, tiểu thương... thở dài!

Quán đóng cửa phòng dịch, lượng đơn bán online không đáng kể nên quán cà phê Mỹ Hằng gần như không có nguồn thu.

Chị Hằng bộc bạch: “Thực hiện chỉ đạo của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi nghiêm túc chấp hành, mong dịch sớm ổn định để mở bán trở lại. Tôi thuê mặt bằng vừa mở quán, vừa sinh sống với giá 3 triệu đồng/tháng. Trước đây, mỗi ngày quán có khoảng 40 lượt khách nên hoạt động kinh doanh cũng tạm ổn. Từ ngày dịch bệnh xảy ra, nhất là nhiều đợt phải tạm đóng cửa để phòng dịch, áp lực tiền thuê nhà, chi phí hoạt động của quán, tiền trang trải cuộc sống khiến tôi phải “đau đầu” xoay trở”.

Dịch bệnh kéo dài, tiểu thương... thở dài!

Bàn ghế, dụng cụ, chén bát quán Bé Hương được xếp gọn vào một góc.

Dù lo lắng dịch bệnh nhưng vợ chồng anh Thái Quý Sơn – chủ quán Bé Hương (ngõ 2, đường Xuân Diệu) vẫn mở cửa nhận đơn ship các món ăn vặt để kiếm thêm “đồng ra đồng vào”, trả tiền mặt bằng và trang trải cuộc sống.

Nhìn bàn ghế, dụng cụ, chén bát được xếp gọn vào một góc, anh Sơn buồn bã vì không biết chừng nào mới hết dịch để ổn định buôn bán, trong khi tới đây, các con sắp vào năm học mới nên sẽ có nhiều khoản tiền phải chi tiêu.

Dịch bệnh kéo dài, tiểu thương... thở dài!

Lo lắng dịch bệnh, anh Sơn vẫn mở cửa bán mang về để kiếm tiền trả chi phí mặt bằng và trang trải cuộc sống.

“2 vợ chồng và 3 đứa con tuổi ăn, tuổi học đều trông chờ vào quán nhỏ này. 10 năm mở quán kinh doanh, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như từ khi có dịch COVID-19. Nhà có con nhỏ, bố mẹ già nên ra quán, chúng tôi cũng rất lo nhưng chẳng có cách nào khác nên phải cố gắng phòng dịch hết mức có thể, mong là có thể cầm cự đến khi tình hình dịch bệnh ổn định, mọi sinh hoạt trở lại trạng thái bình thường” - anh Sơn bày tỏ.

Việc tạm thời đóng cửa các nhà hàng, quán ăn, chỉ được bán mang về, bán online mặc dù ảnh hưởng đến cuộc sống của không ít gia đình nhưng đa số chủ kinh doanh hiểu rằng, đây là việc phải làm tại thời điểm này để siết chặt công tác phòng, chống dịch, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Dịch bệnh kéo dài, tiểu thương... thở dài!

Quán bún Gánh (đường Hải Thượng Lãn Ông) duy trì bán mang về, chờ ngày dịch bệnh ổn định để kinh doanh trở lại bình thường.

Nỗi lo lớn nhất của nhiều nhà hàng, quán cà phê là tiền thuê mặt bằng và trả lương nhân viên. Trong khi một số quán tạm thời cho nhân viên nghỉ việc không lương thì nhiều chủ quán cho biết, dù doanh thu giảm, việc làm ít nhưng họ chấp nhận trả một mức lương nhất định để “giữ chân” nhân viên đi làm lại sau khi được mở cửa.

“Mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát và đẩy lùi không chỉ của riêng tôi mà chắc chắn là của tất cả chúng ta. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, điều này sẽ thành sự thật để mọi hoạt động của người dân, trong đó có việc buôn bán, kinh doanh của tiểu thương chúng tôi được trở lại bình thường”, anh Nguyễn Đức Trung - chủ quán bún Gánh (đường Hải Thượng Lãn Ông) bày tỏ.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.