Củng cố kiến trúc y tế toàn cầu ứng phó với đại dịch trong tương lai

Một trong năm sáng kiến được đưa ra tại Cuộc họp Bộ trưởng Y tế G20 nhấn mạnh mở rộng các trung tâm nghiên cứu và sáng chế toàn cầu để các nước nghèo tiếp cận tốt hơn với việc tiêm chủng và điều trị.

Củng cố kiến trúc y tế toàn cầu ứng phó với đại dịch trong tương lai

(Nguồn: g20.org)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 lần thứ 2 diễn ra từ ngày 26-28/10 tại Bali, Indonesia đã đề ra 5 sáng kiến nhằm nỗ lực ngăn chặn, chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với đại dịch trong tương lai.

Thứ nhất, đẩy nhanh tiến trình thành lập Quỹ trung gian tài chính (FIF). Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết việc thành lập FIF là một trong những bước đột phá lịch sử của G20 trong lĩnh vực y tế.

FIF sẽ giúp tăng cường năng lực toàn cầu trong việc phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.

Thứ hai, đề ra quy định về cơ cấu huy động nguồn lực y tế thiết yếu.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp giám sát, bao gồm giám sát bộ gene, cũng như cung cấp định hướng cho nền tảng hợp tác về nghiên cứu và kiểm soát mầm bệnh để chuẩn bị và xử lý đại dịch tốt hơn.

Thứ tư, tăng cường hỗ trợ cho một nền tảng chung kết nối các hệ thống kỹ thuật số khác nhau để chứng nhận tài liệu y tế, bao gồm cả vaccine và kết quả chẩn đoán để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ khuyến khích sự phục hồi kinh tế và xã hội trong các lĩnh vực khác nhau.

Thứ năm, mở rộng các trung tâm nghiên cứu và sáng chế toàn cầu. Điều này sẽ hỗ trợ tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập trung bình thấp tiếp cận tốt hơn với việc tiêm chủng , điều trị và chẩn đoán.

Cuộc họp Bộ trưởng Y tế G20 lần thứ hai đã cho thấy vai trò dẫn dắt G20 trong năm Chủ tịch G20 của Indonesia, đặc biệt trong việc củng cố kiến trúc y tế nhằm chuẩn bị và ứng phó với đại dịch tốt hơn.

Hội nghị có sự tham dự của 190 đại biểu đến từ các nước thành viên G20 và các nước phát triển khác như Singapore, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thụy Sĩ, Hà Lan và đại diện một số nước đại diện cho các khu vực như ASEAN, Diễn đàn Thái Bình Dương, Liên minh châu Phi, Cộng đồng Caribe và NEPAD.

Các tổ chức quốc tế liên quan như WHO, Ngân hàng Thế giới, GAVI, CEPI, Quỹ Toàn cầu, OECD và các tổ chức khác cũng được mời để cung cấp phản hồi hoặc bổ sung thêm về các vấn đề ưu tiên của ngành y tế trong khối./.

Theo Đào Trang (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast