Cuộc sống thực tế ở Triều Tiên qua lời kể của Đại sứ Nga

Một trong số ít phái viên nước ngoài còn lại ở Bình Nhưỡng cho biết cuộc sống ở Triều Tiên vẫn còn khó khăn, nhưng không có nạn đói và một số chuyến hàng qua biên giới có thể sớm được nối lại.

Cuộc sống thực tế ở Triều Tiên qua lời kể của Đại sứ Nga

Người dân đeo khẩu trang trong bối cảnh lo ngại về dịch COVID-19 ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), thông tin trên được đưa ra một tuần sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đang phải đối mặt với “tình hình tồi tệ nhất từ trước đến nay”. Vào tuần trước, Chủ tịch Kim Jong-un đã kêu gọi các quan chức thực hiện phong trào “Trường chinh gian khổ” trong công tác và lao động. Ông so sánh cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại với thời kỳ đói kém và thảm họa những năm 1990.

Trong khi đó, Đại sứ Nga Alexander Matsegora, một trong số ít phái viên nước ngoài tại Triều Tiên, lại nhận định tình hình hiện tại không thể so sánh với thời kỳ đó. “Chưa hẳn là trường chinh gian khổ. Tôi hy vọng tình hình Triều Tiên sẽ không bao giờ tồi tệ đến mức như vậy. Điều quan trọng nhất là hiện tại Triều Tiên không có nạn đói”, ông Matsegora nói.

Các lệnh trừng phạt, thiên tai và đóng cửa biên giới đã đẩy nền kinh tế của Triều Tiên rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết. Liên Hợp quốc cảnh báo tình trạng thiếu lương thực và các thảm họa nhân đạo khác cũng có thể xảy ra tại đất nước này.

Ông Matsegora cho biết hàng hóa nhập khẩu hiện không còn thấy trên các kệ hàng, trong khi hầu hết các sản phẩm nội địa vẫn có sẵn và giá cả chỉ tăng vừa phải. Các nhà ngoại giao thường bị hạn chế đến một số nơi ở Triều Tiên. Do đó, hiện chưa rõ thông tin mà Đại sứ Nga đưa ra có áp dụng với các khu vực bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng hay không.

Cuộc sống thực tế ở Triều Tiên qua lời kể của Đại sứ Nga

Người dân mua hàng hóa trong siêu thị tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong năm qua, thương mại của Triều Tiên, vốn bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt, đã giảm mạnh do nước này tự đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Viện trợ quốc tế cho Triều Tiên hiện cũng đang bị kẹt trong các nhà kho ở biên giới Trung Quốc, nhưng Triều Tiên đang xây dựng các “khu khử trùng lớn”, dự kiến sẽ sớm hoàn thành, ông Matsegora cho hay.

“Có thông tin cho rằng công việc này cuối cùng sẽ hoàn thành vào cuối tháng 4, sau đó dòng hàng hóa sẽ được khôi phục lại”, ông Matsegora nói. Ông cũng cho biết thêm rằng vận tải hàng hoá xuyên biên giới có thể được nối lại “trong tương lai gần”, nhưng việc đi lại của hành khách chỉ được phép khi đại dịch được giải quyết ở cấp độ toàn cầu.

Sau nhiều tháng tàu chở hàng của Triều Tiên chạy không tải trên biển, các hoạt động vận tải biển đã trở lại mức thấp trước đại dịch vào đầu tháng 4, theo phân tích của NK Pro, một trang web theo dõi Triều Tiên cho biết.

Đại sứ Matsegora là một trong số ít các đại sứ nước ngoài ở lại Bình Nhưỡng sau khi một số phái đoàn khác đã rời khỏi nước này với lý do khó luân chuyển nhân viên mới.

Cơ quan đại diện ngoại giao của Nga gần đây đã phàn nàn về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu ở Triều Tiên như thuốc men, các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khoẻ và những hạn chế về đại dịch ở mức nghiêm trọng chưa từng có.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Triều Tiên chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nào, nhưng các quan chức Hàn Quốc và Mỹ nghi ngờ tuyên bố đó.

Quốc gia này dự kiến sẽ nhận được gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca vào nửa đầu năm nay theo chương trình chia sẻ vaccine COVAX. Tuy nhiên, ông Matsegora nói rằng, người dân Triều Tiên hầu như không biết gì về vaccine quốc tế.

Có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang nới lỏng một số biện pháp chống dịch trong nước, với việc cho phép tổ chức đám cưới và trường học sẽ hoạt động trở lại trong tháng này. Triều Tiên cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hôm 15/4 với các sự kiện đại chúng như biểu tình và hòa nhạc.

Bên cạnh những chia sẻ về tình hình thực tế của Triều Tiên, ông Matsegora cũng nhận định những thay đổi tích cực trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington khó có thể xảy ra, do chính sách ngoại giao cứng rắn của chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden.

“Đánh giá mức độ tích cực của chính quyền ông Joe Biden đối với Nga, Trung Quốc và các lĩnh vực khác, có rất ít hy vọng về một kịch bản tích cực trong các vấn đề Triều Tiên”, đại sứ nói.

Theo Baotintuc

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast