Lí do khiến cựu Tổng thống Mugabe thay đổi ý định từ chức vào phút chót?

Khẳng định sẽ không từ chức trên sóng quốc gia, song chỉ sau hai ngày, một sự kiện diễn ra khiến ông Robert Mugabe thay đổi quyết định, rút lui khỏi ghế tổng thống Zimbabwe.

li do khien cuu tong thong mugabe thay doi y dinh tu chuc vao phut chot

Cựu Tổng thống Zimbabwe Mugabe rất khó bị thuyết phục từ chức. Ảnh: CNN

Là vị linh mục được cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và quân đội hết sức tin tưởng, cha Fidelis Mukonori được giao trọng trách thuyết phục được cựu lãnh đạo cao tuổi thay đổi quyết định.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi Zimbabwe xảy ra chính biến và chuyển giao quyền lực êm thấm, linh lục Fidelis Mukonori tiết lộ những gì diễn ra trong hàng tiếng đồng hồ đàm phán thuyết phục cựu Tổng thống Mugabe từ bỏ quyền lực.

Mỗi ngày linh lục Mokonori đều gặp nhà lãnh đạo 93 tuổi cống hiến gần 40 năm cai trị đất nước. Ông cho biết ông bị mắc kẹt giữa các bên đối đầu chính trị. Chiến thuật của ông là không bao giờ phản bác tranh cãi với cựu Tổng thống Mugabe. Thay vào đó là ông lắng nghe và thuyết phục dần dần, đảm bảo Tổng thống có thể rời sân chính trường đem theo danh dự.

Linh mục Mukonori giải thích: “Ông ấy là một nhà tranh luận thông minh, một nhà suy nghĩ chiến lược, và có thể suy đoán. Vấn đề ở chỗ phải làm sao để Tổng thống Mugabe nhận ra rằng có chuyện gì đang xảy ra tại quốc gia mình về kinh tế và chính trị, cũng như phải đến mức độ như thế nào rồi quân đội mới phải can thiệp”.

Ngày 21/11, cựu Tổng thống Mugabe bị quân đội quản thúc tại gia khi quyết định từ chức. Binh sĩ đã đóng quân tại tòa nhà Quốc hội Zimbabwe cũng như dinh tổng thống.

“Sự thực quân đội phải làm đến mức đó – cựu Tổng thống Mugabe nhận ra rằng có những vấn đề tồn tại trong quốc gia song ông tự hỏi tại sao phải kết thúc như thế này”, Mukonori hồi tưởng.

Trước đó, truyền thông đồng loạt đưa tin nếu như cố tình không chịu từ chức, cựu Tổng thống Mugabe sẽ phải đối mặt với phiên luận tội kéo dài 2 ngày trước Quốc hội, với tội danh chính chống lại ông là "cho phép vợ mình chiếm đoạt quyền lực của chính phủ".

Trong suốt quá trình thảo luận thuyết phục, linh mục Mukonori liên tục khẳng định Mugabe có công đóng góp rất lớn đối với Zimbabwe và là cha đẻ của dân tộc. “Các vị tướng lĩnh luôn đối xử với ông ấy với sự trân trọng, thậm chí họ còn cúi chào ông. Ông ấy biết sẽ ra đi một cách êm đẹp”.

Thỏa thuận đã đạt được trong lần đàm phán đó. Tuy nhiên, ngày 19/11, phát biểu trên sóng truyền hình, khi được mong đợi sẽ tuyên bố từ chức như thỏa thuận, cựu Tổng thống Mugabe một lần nữa khiến mọi người ngã ngửa. Sau bài phát biểu dài, ông kiên quyết không từ chức.

Linh mục Mukonori cho biết quá trình đàm phán thuyết phục cần sự kiên nhẫn nhiều hơn: “Việc thuyết phục một người 93 tuổi không giống thuyết phục người 23 hay 17 tuổi”.

Tuy nhiên vào phút cuối, chính dòng người biểu tình ở Zimbabwe là nhân tố chủ chốt thuyết phục ông Mugabe ra đi. Hàng chục ngàn người đổ ra đường phố thủ đô Harare biểu tình yêu cầu ông từ chức. “Điều đó đã khiến ông ấy suy chuyển. Ông ấy nhận ra người dân đang muốn nói mọi chuyện đã quá đủ”, linh mục Mukonori tường thuật.

Cựu Tổng thống Mugabe cũng đã được mời tới lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Mnangagwa song ông đã từ chối.

Sau khi rời bỏ chính trường, Mukonori vẫn phải nói chuyện với cựu Tổng thống Mugabe hàng ngày. Ông Mugabe đề nghị trở thành cố vấn đưa lời khuyên cho tân Tổng thống.

Mukonori nhận xét: “Ông ấy không biến mất khỏi cuộc sống, ông ấy không chết. Chỉ là ông ấy không còn xuất hiện dưới ánh hào quang. Trí não của ông vẫn còn rất sắc bén và hoạt động”.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast