Mỹ: Gần 200.000 kit xét nghiệm COVID-19 bị thu hồi do lỗi dương tính giả

Nhiều bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 của Ellume có khả năng cho kết quả dương tính giả do lỗi sản xuất mới được phát hiện gần đây, song các kết quả âm tính dường như không bị ảnh hưởng do lỗi này.

Mỹ: Gần 200.000 kit xét nghiệm COVID-19 bị thu hồi do lỗi dương tính giả

Bộ kit test COVID-19 của Ellume. (Ảnh: Ellume)

Ngày 6/10, Công ty sản xuất thiết bị y tế Ellume (Australia) thông báo đã thu hồi gần 200.000 bộ kit xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại thị trường Mỹ do lỗi sản xuất dẫn đến cho kết quả dương tính giả.

Trước đó một ngày, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo nhiều bộ kit xét nghiệm của Ellume có khả năng cho kết quả dương tính giả do lỗi sản xuất mới được phát hiện gần đây, song các kết quả âm tính dường như không bị ảnh hưởng do lỗi này.

Cơ quan này cũng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Ellume để đánh giá quy trình kiểm tra sản xuất của hãng và các biện pháp khắc phục khác nhằm đảm bảo vấn đề được giải quyết.

Trao đổi với báo giới ngày 6/10, người phát ngôn của Ellume xác nhận trong tổng số 3,5 triệu bộ kit được vận chuyển đến Mỹ có 195.000 bộ mắc lỗi trên, trong đó có các bộ kit xét nghiệm được Bộ Quốc phòng Mỹ phân bổ cho các chương trình y tế cộng đồng.

Trước đó, ngày 1/10, Ellume cho biết đã được yêu cầu tự nguyện thu hồi sản phẩm sau khi tỷ lệ cho kết quả dương tính giả trong một số lô hàng cao hơn dự tính.

Nhà sáng lập Ellume Sean Parsons đã gửi lời xin lỗi tới khách hàng và các bên liên quan, đồng thời cam kết công ty sẽ nỗ lực khắc phục sai sót để đảm bảo độ chính xác của sản phẩm.

Công ty này nói rằng đã xác định được nguyên nhân của vấn đề và thực hiện các biện pháp kiểm soát bổ sung, đồng thời vẫn tiếp tục phân phối các bộ kit xét nghiệm cho các nhà bán lẻ Mỹ.

Năm ngoái, bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại nhà của Ellume đã trở thành sản phẩm đầu tiên thuộc loại này được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ.

Ellume, có trụ sở tại Brisbane, đã ký một thỏa thuận cung cấp các bộ kit xét nghiệm trị giá 300 triệu USD với Mỹ hồi đầu năm nay.

Theo Hoàng Châu/Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast