Reuters viết về những “hiệp sĩ đường phố” ở Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Các “hiệp sĩ đường phố” ở TP Hồ Chí Minh không phải là những chiến binh thời Trung cổ điển hình.

Reuters viết về những “hiệp sĩ đường phố” ở Việt Nam

Nguyễn Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) và nhóm “hiệp sĩ đường phố” của anh. (Ảnh: Reuters)

Những con tuấn mã của họ là những chiếc xe máy. Họ đi dép cao su thay vì ủng kim loại. Và những bộ áo giáp sáng chói được thay thế bằng áo khoác rộng thùng thình, đôi khi bị gió thổi bay trông khá giống một chiếc áo choàng.

Các “hiệp sĩ đường phố” không được trả tiền để đuổi theo những tên trộm cắp vặt ở TP HCM và Bình Dương, nơi người dân luôn phàn nàn về tình hình tội phạm gia tăng và an ninh trật tự chưa được đảm bảo.

“Bất cứ khi nào nhận được cuộc gọi tôi đều đi”, Nguyễn Thanh Hải - một trong số những “hiệp sĩ” - nói với phóng viên hãng tin Reuters.

Hải nhận được từ 50 đến 100 cuộc gọi cầu cứu liên quan đến tội phạm cướp giật, ma túy và thậm chí là bắt cóc mỗi ngày.

“Hiệp sĩ” 47 tuổi cho hay, những cuộc gọi đến có thể vào nửa đêm, khi anh gần như chẳng thể nào mở nổi mắt.

Hải giữ một cuốn sổ ghi chép chi tiết về khoảng 4.000 tên tội phạm anh đã bắt giữ và giao cho cảnh sát sau 21 năm thầm lặng đóng vai một Lục Vân Tiên thời hiện đại, mặc dù không được trả thù lao.

“Khi bạn làm công việc này, bạn không nghĩ đến vấn đề tiền bạc”, Hải nói.

Hải là thành viên một nhóm “hiệp sĩ đường phố” gồm khoảng 30 người đàn ông và là một trong 1.500 người dân bình thường tự nguyện làm việc nghĩa hiệp mà không màng đến việc được trả ơn tại TP HCM. Những chiếc xe của các “hiệp sĩ” được gắn thêm còi báo động và động cơ được nâng cấp để có thể đạt đến tốc độ hơn 112 km/h.

Những đoạn video về các cuộc rượt đuổi tốc độ cao giữa các “hiệp sĩ đường phố” và những tên tội phạm được chia sẻ nhiều trên các trang mạng xã hội. “Con trai tôi rất hào hứng khi nhìn thấy tôi trên YouTube”, Phạm Tấn Thành, một tài xế taxi ở Bình Dương, người dành thời gian rỗi để làm công việc của một “hiệp sĩ đường phố”, nói với Reuters. “Thằng bé luôn hỏi tôi khi nào bố lại ra ngoài bắt cướp”, người đàn ông 31 tuổi cười nói.

Các “hiệp sĩ đường phố” không tự nhận mình là những anh hùng, tuy nhiên họ cảm kích khi thỉnh thoảng nhận được những món quà thay cho lời cảm ơn, mà đặc biệt, những trái sầu riêng là thứ rất được yêu thích.

Công việc nguy hiểm

Trộm cắp vặt và những hành vi phạm tội nhỏ lẻ là một vấn nạn nhức nhối tồn tại lâu nay tại TP HCM, đô thị có 8,6 triệu người. Năm ngoái, TP HCM xếp thứ ba trong danh sách các thành phố kém an toàn nhất thế giới sau Caracas của Venezuela và Karachi của Pakistan, theo bảng xếp hạng những thành phố an toàn nhất trên thế giới (Safe Cities Index) của nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit thuộc tạp chí kinh tế uy tín The Economist.

“Cảnh sát có rất nhiều việc phải làm, chúng ta không thể luôn đổ lỗi cho họ”, Nguyễn Việt Sin, người có cha là một cảnh sát, bày tỏ. “Nếu mọi người cùng chia sẻ những nỗ lực, xã hội sẽ tốt hơn nhiều”, Sin nói.

Sin cũng là một “hiệp sĩ đường phố”. Anh kể cho phóng viên Reuters nghe về một lần đối mặt với kẻ tình nghi ăn trộm. Tên này đã tự làm mình bị thương và cố tình chà xát máu của hắn vào vết thương của Sin. Sau khi được biết tên này nhiễm HIV, Sin lo lắng bản thân có thể bị phơi nhiễm.

“Tôi muốn bỏ. Nhưng sau khi bình phục, thấy những đoạn clip về những tên tội phạm trên mạng xã hội. Tôi lại lên đường. Đam mê của tôi không chết.” Sin nói .

“Ăn vào máu”

Tháng trước, hai “hiệp sĩ” đã bị đâm tử vong và ba người bị thương nặng khi đuổi bắt một nhóm đối tượng trộm xe SH tại TP HCM. Sau sự việc đau lòng này, những gia đình của các “hiệp sĩ” khác muốn người thân của mình dừng lại.

“Vợ chưa cưới của tôi muốn tôi từ bỏ và tôi đồng ý”, Mai Trương Xuân Huy, 44 tuổi, một người Mỹ gốc Việt nói với Reuters. Huy rời Việt Nam từ những năm 1990. Vốn từng làm nhân viên bảo vệ ở California, Mỹ, trở về nước, Huy tham gia vào một nhóm “hiệp sĩ đường phố”.

“Tôi cảm thấy tự hào mỗi khi giúp một ai đó, tuy nhiên cũng rất mệt nhọc”, Huy tâm sự bên trong một quán cà phê ở Bình Dương, đây cũng chính là trụ sở không chính thức của nhóm anh. “Tôi từng bị xịt hơi cay và bị nện vào đầu. Công việc này rất nguy hiểm và bọn cướp bây giờ mang theo nhiều vũ khí hơn”, Huy nói.

Câu chuyện của anh bị gián đoạn bởi cuộc gọi cầu cứu của hai người. Huy và một người bạn không suy nghĩ gì, nhanh chóng nhảy lên xe.

“Nhưng tôi không thể dừng lại được. Công việc này đã ăn vào máu của tôi rồi”, Huy nói với trong khi phóng xe đi.

(Theo Reuters)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast