Trẻ em bắt chước cảnh bạo lực ở ‘Squid Game’

Dù không đủ tuổi xem phim, nhiều trẻ em ở xứ kim chi vẫn biết rõ nội dung nhờ nói chuyện với bạn bè, xem các phân cảnh trên Internet và tái hiện các thử thách trên phim.

Kim (42 tuổi), một nhân viên văn phòng ở Seoul, ngạc nhiên khi con gái 12 tuổi của mình biết rõ nội dung bộ phim Squid Game , dù cô không cho phép con xem, theo Korea Times.

Theo đó, cô bé đã xem nhiều phân cảnh trên YouTube vì tò mò. Hơn nữa, bạn bè xung quanh cũng không ngừng bàn tán về series Netflix đình đám này.

Hai đứa con 6 tuổi và 4 tuổi của Lee (39 tuổi) ở Seoul cũng đòi bố mua kẹo đường để làm thử thách tách kẹo như trong phim. Anh bối rối vì không biết vì sao các con biết chi tiết này, dù hai đứa trẻ chưa đủ tuổi xem.

Khi Squid Game trở thành hiện tượng toàn cầu, tạo nên “cơn sốt” trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, nhiều trẻ nhỏ thể hiện sự yêu thích với bộ phim bằng cách đòi mặc đồ thể thao, chơi trò chơi giống các nhân vật.

Trẻ em bắt chước cảnh bạo lực ở ‘Squid Game’

Những bộ trang phục dành cho trẻ em với chủ đề Squid Game được ưa chuộng ở Hàn Quốc dịp Halloween

Tính đến ngày 22/10, mục mua sắm trên website Naver có hơn 9.450 sản phẩm liên quan khi tìm kiếm “Squid Game cho trẻ em”.

Những bộ đồ thể thao màu xanh, đỏ và mặt nạ kích cỡ trẻ em được nhiều bậc phụ huynh đặt mua cho dịp Halloween sắp tới. Họ hài lòng với chất lượng sản phẩm và háo hức cho các con mặc thử.

“Màu sắc của bộ đồ khá giống với trên phim, có lớp lót bên trong nên con tôi có thể mặc trong mùa đông này. Con tôi thực sự vui khi nhận món quà này”, một khách hàng phản hồi.

Chủ đề Squid Game cũng xuất hiện trên các chương trình giải trí dành cho mọi lứa tuổi. Điều này khiến trẻ em biết đến bộ phim, tò mò tìm xem các phân đoạn đăng tải trên mạng.

“Nhiều học sinh của tôi nói các em nghe đến bộ phim khi xem TV. Hơn nữa, Squid Game còn là chủ đề bàn tán”nóng“nhất hiện nay, nên chúng đã lên YouTube xem thử”, Baek Seo-hyun (31 tuổi), giáo viên tiểu học ở Suwon (tỉnh Gyeonggi), chia sẻ với Korea Times.

Baek cho biết dù không được theo dõi bộ phim từ đầu tới cuối vì giới hạn độ tuổi, học sinh lại bắt chước các phân cảnh trong giờ học và giờ ra chơi.

“Với tư cách người làm giáo dục, tôi và một số đồng nghiệp khá lo rằng các em sẽ bị tác động tiêu cực khi tiếp cận Squid Game theo cách này. Nhiều em còn không biết bộ phim nói tới chủ đề sinh tồn”, thầy giáo 31 tuổi nói.

Trẻ em bắt chước cảnh bạo lực ở ‘Squid Game’

Bức tranh do một đứa trẻ 6 tuổi vẽ, tái hiện lại cảnh bạo lực từ bộ phim. Ảnh: Korea Times

Ngoài ra, một số sự kiện ngoài trời, trò chơi trên điện thoại lấy cảm hứng từ bộ phim không có quy định giới hạn độ tuổi. Dù các sản phẩm thương mại ăn theo không có phân cảnh bạo lực, nhiều chuyên gia vẫn lo ngại rằng trẻ em sẽ chịu tác động tiêu cực theo hướng này.

“Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ vị thành niên từng xem các nội dung bạo lực trên phương tiện truyền thông lúc nhỏ có xu hướng hung hăng, vô cảm cao hơn. Vì thế, bố mẹ, người giám hộ cần kiểm soát nội dung các con theo dõi trên Internet cẩn thận hơn”, Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại ĐH Quốc gia Seoul, lý giải.

Những lo ngại tương tự không chỉ diễn ra ở Hàn Quốc. Thực tế, một số trường học, bậc phụ huynh ở Mỹ, Anh, Bỉ, Canada... khuyến cáo không nên cho trẻ em xem bộ phim gán mác 18+ này vì sợ các con bắt chước các cảnh bạo lực, máu me.

Ngày 5/10, trường Erquelinnes Bégunating Hainaut ở Bỉ lên tiếng cảnh báo trên Facebook về vấn đề này.

Thông báo của trường được đưa ra sau khi các giáo viên phát hiện học sinh tái hiện trò chơi “đèn xanh, đèn đỏ” trong phim. Người thua cuộc sẽ bị nhóm học sinh đánh, thay vì bị xử tử như bản gốc.

Một học sinh 8 tuổi ở Quebec, Canada cũng tỏ ra hoảng sợ khi bạn cùng lớp tái hiện một số phân cảnh trong phim.

“Cha mẹ, người giám hộ nên thận trọng với ảnh hưởng của việc tiếp xúc sớm với bạo lực từ các phương tiện truyền thông”, giáo sư Kwak cho hay.

Squid Game là một bộ phim sinh tồn của Hàn Quốc, nơi những người tham gia phải trải qua 6 trò chơi gắn liền với tuổi thơ để nhận giải thưởng trị giá 45,6 tỷ won. Cái giá mà những người thất bại phải trả chính là mạng sống.

Trẻ em bắt chước cảnh bạo lực ở ‘Squid Game’
Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast