Điểm tên giống "mồi lửa" lây lan bệnh đạo ôn trên lúa xuân

(Baohatinh.vn) - Ngoài các loại giống quen thuộc: P6, Xi23, NX30 thì nhóm giống lúa mẫn cảm với bệnh đạo ôn lá trên đồng đất Hà Tĩnh còn có những "gương mặt mới" như: Thái Xuyên 111, ADI168, VNR20, PM2...

Nhiều nhóm giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn

Đức Thọ là địa phương có diện tích lúa nhiễm đạo ôn lá lớn nhất tỉnh. Đến nay, trên địa bàn có trên 9 ha bị nhiễm bệnh, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 3 - 5%, nơi cao 15 - 20%, cục bộ ổ 30 - 40% chủ yếu trên nhóm lúa P6, Thái Xuyên 111, VRN20... Thậm chí, một số vùng có diện tích thuộc giống P6 đã bị cháy lá cục bộ tại các xã Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, Yên Hồ. Theo các nhà chuyên môn, các diện tích này đang tiềm ẩn nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông "rình rập" rất cao.

IMG_9905.jpg
Giống lúa P6 bị cháy lá cục bộ ở huyện Đức Thọ.

Năm nay, gia đình bà Trần Thị Mận (thôn Quyết Tiến, xã Bùi La Nhân) làm 3 sào giống lúa P6. Đạo ôn đã xuất hiện khá sớm, bước vào kỳ đẻ nhánh rộ cũng là lúc bà Mận phải tập trung phun phòng trừ tới 3 lần. “Mấy sào ruộng P6 này năm nào cũng bị nên tôi cũng theo dõi sát từ đầu nhưng thời tiết năm nay mưa ẩm dài, bộ lá luôn bị ướt nên thuốc bị giảm hiệu lực phòng trừ, bệnh khó điều trị. Trời vẫn liên tục có mưa phùn buổi sáng nên tôi càng thêm lo” - bà Mận cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết: “Cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng đã vào cuộc, trực tiếp cử cán bộ bám cơ sở để phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân. Diện tích nhiễm chủ yếu trên giống P6, không thuộc cơ cấu của xã, huyện nhưng người dân vẫn bất chấp khuyến cáo thực hiện gieo trồng. Đối với giống này, xã đã lưu ý người dân phải thăm đồng thường xuyên, xử lý sớm vết bệnh, không để lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất lúa toàn xã”.

Được biết, vụ xuân 2024, huyện Đức Thọ chỉ cơ cấu 8 giống chủ lực: Nếp 98, Lai Thơm 6, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, MHC2, HD11, HaNa 7 và Hương Bình. Các giống như P6, Thái Xuyên 111, VRN20... đều nằm ngoài cơ cấu của huyện.

z5243909692794_21809caae8908cb1c5afa422d9939c5d.jpg
Cán bộ chuyên môn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đi kiểm tra diễn tiến bệnh đạo ôn lá.

Hiện nay, Nghi Xuân cũng là một trong những địa phương ghi nhận diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lớn của toàn tỉnh. Tất cả diện tích này đều gây hại trên nhóm giống "cố hữu", mẫn cảm như Xi23, NX30, XT28 và một số giống người dân tự ý gieo cấy ngoài cơ cấu như: Nam Dương, PM2... Theo thống kê của phòng NN&PTNT huyện, diện tích các nhóm giống trên đạt gần 1.000 ha, chiếm khoảng 30% diện tích gieo cấy lúa vụ xuân của huyện (trên 3.200 ha). Đây đang trở thành "nguy cơ" lớn cho đạo ôn cổ bông ở giai đoạn tiếp theo.

Tại xã Xuân Hội (Nghi Xuân), hơn 35 ha lúa đã được phun phòng bệnh đạo ôn song người dân vẫn “đứng ngồi không yên”. Anh Phan Xuân Toại (thôn Phú Quý, xã Xuân Hội, Nghi Xuân) chia sẻ: “Thời tiết 3 hôm nay tiếp tục có mưa, ẩm sáng sớm, dù chúng tôi đã phun phòng trừ nhưng vẫn đang lo bệnh đạo ôn có thể tiếp tục bùng phát”.

IMG_9893.jpg
Nông dân huyện Nghi Xuân theo dõi tình hình đạo ôn trên lúa.

Ông Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: “Dù đã khuyến cáo ngay từ đầu vụ nhưng người dân vẫn tự ý gieo trồng các nhóm mẫn cảm với bệnh đạo ôn, gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch của ngành chuyên môn và chính quyền các cấp. Hiện nay, bám sát chỉ đạo của tỉnh, huyện, cán bộ chuyên môn đã hướng dẫn để các xã “trọng điểm” như: Xuân Hồng, Đan Trường, Xuân Hội… để chỉ đạo phun lần 2, lần 3; hướng dẫn bà con bứt bỏ lá bệnh, vùn đất để tránh lây lan sang các ruộng khác, các giống khác; phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về bệnh đạo ôn".

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, qua theo dõi, gần như chưa năm nào nhóm giống: P6, Xi23 và NX30, XT28, Thái Xuyên 111… “thoát” được đạo ôn trên lá. Điều đáng nói, việc sử dụng nhóm giống này trên đồng ruộng đã trở thành “mồi lửa” lây lan dịch bệnh nguy hiểm này trên diện rộng và tạo thành nguồn cho bệnh đạo cổ bông ở giai đoạn sinh trưởng quan trọng của cây lúa.

z5237811369218_71c3882004b3ea83a2247dc9959470fa.jpg
Bà con nông dân các địa phương cần tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong phòng trừ sâu bệnh.

Tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống

Theo ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, hiện nay, diễn biến bệnh đạo ôn lá vẫn cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều giống nhiễm bệnh trên đồng ruộng cùng với yếu tố cộng hưởng từ thời tiết bất lợi, mưa ẩm, xen kẽ các đợt gió mùa cuối vụ gây mưa thì bệnh dịch có thể tiếp tục gây hại trong thời gian tới. Đối với đạo ôn lá, thời điểm xung yếu sẽ là từ nay đến ngày 20/3, đặc biệt là trên các giống lúa dễ nhiễm như: P6, Thái Xuyên 111, VRN20, NX30...".

z5237158417370_a2add98f330d690fa670965803dcda4e (1).jpg
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi để kịp thời hướng dẫn người dân phòng trừ dịch bệnh.

Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, tại các vùng trọng điểm, xuất hiện ổ dịch, phòng NN&PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện và các phòng, ban, ngành liên quan cần phân công cán bộ bám sát cơ sở, trực tiếp xuống các địa phương để phối hợp kiểm tra thăm đồng, hướng dẫn bà con phòng trừ đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, báo cáo kết quả diễn biến dịch bệnh để tham mưu các biện pháp bổ cứu kịp thời.

Đối với những diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn gây lụi ổ trước khi phun thuốc cần tiến hành hớt lá bị cháy đem đốt hoặc vùi lấp (tránh tình trạng bứt vứt trên bờ), tạo sự thông thoáng hạn chế nguồn bệnh.

Tuân thủ nguyên tắc "4 đúng" trong phòng trừ sâu bệnh: Đúng thuốc, đúng liều lượng - nồng độ, đúng lúc và đúng cách. Phun thuốc khi trời tạnh ráo, khô lá, phun thuốc ướt đều toàn bộ lá. Sau khi phun thuốc 5-7 ngày kiểm tra nếu thấy vẫn còn vết bệnh cấp tính xuất hiện cần tiến hành phun thuốc lần 2.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.