Chiều 23/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Thành chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Tuy nhiên, để đảm bảo cung ứng điện các năm tới với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, việc rà soát, đánh giá khả năng phát triển các loại hình nguồn điện, điều chỉnh cơ cấu nguồn điện để kịp thời đáp ứng nhu cầu phụ tải là cần thiết.
Theo báo cáo của Bộ Công thương về kết quả điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước đến năm 2030 (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291 - 236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747 - 80.819 MW so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.
Cụ thể công suất một số nguồn điện có điều chỉnh so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt như:
- Nhiệt điện LNG 8.824 MW, giảm 13.576 MW do đánh giá các nguồn điện chậm tiến độ.
- Thủy điện 33.294-34.667 MW, tăng lên 4.560-5.275 MW.
- Tổng công suất điện gió trên bờ 27.791 - 28.058 MW, tăng lên từ 3.949 - 5.321 MW
- Điện mặt trời 46.459 - 73.416 MW, tăng lên từ 25.867 -52.825 MW.
- Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và điện địa nhiệt 2.979 - 4.881 MW, tăng lên từ 709 - 2.611 MW.
- Về nguồn lưu trữ, công suất 12.394 - 22.271 MW, tăng lên từ 9.694 - 19.571 MW; nguồn điện linh hoạt 2.000 - 3.000 MW, tăng lên từ 1.700 - 2.700 MW.
- Nhập khẩu điện chiếm khoảng 9.360 MW, tăng lên 4.360 MW. Ngoài ra, trong đề án điều chỉnh, nguồn điện hạt nhân đạt khoảng từ 6.000 - 6.400 MW, vận hành giai đoạn 2030 – 2035; xuất khẩu điện dự kiến đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW.
Riêng nhiệt điện than công suất 31.055 MW và nhiệt điện khí trong nước là 10.861 MW, giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt.
Bộ Công thương cũng đưa ra 4 kịch bản nhu cầu điện cụ thể: kịch bản thấp, kịch bản cơ sở, kịch bản cao và kịch bản cao đặc biệt. Với kết quả dự báo của kịch bản cao đặc biệt chỉ ra tốc độ tăng điện thương phẩm từ năm 2026 – 2030 là 12,8%/năm; năm 2031 – 2040 là 8,6%/năm và năm 2041 – 2050 là 2,8% năm.
Tại hội nghị, các đại biểu thể hiện đồng tình với quan điểm, mục tiêu, phương án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương dự thảo. Đồng thời, báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch tại các địa phương và nêu các đề xuất, kiến nghị như: sớm ban hành cơ chế, chính sách liên quan để triển khai thực hiện quy hoạch đồng bộ, thống nhất; phân cấp cho địa phương cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án năng lượng; bổ sung, cập nhật, nâng công suất một số dự án điện năng như năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, điện rác…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương đã xây dựng Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có nhiều điểm mới so với các nội dung của Quy hoạch điện VIII trước đây.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp trình các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định trên cơ sở đảm bảo kịp thời, đáp ứng các nhu cầu cấp bách, đảm bảo an ninh năng lượng; rà soát, điều chỉnh, tham mưu cho cấp thẩm quyền điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong thực hiện quy hoạch.
Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc Quyết định số 1710/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kết quả điều chỉnh phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, đặt tổng thể lợi ích quốc gia lên hàng đầu; phát huy tối đa lợi thế địa phương nhưng đảm bảo tối ưu các yếu tố như tài nguyên môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế…; đảm bảo mục tiêu Net zero đến năm 2050…
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch; rà soát kịp thời các nguồn điện tại địa phương đảm bảo đồng bộ với nội dung quy hoạch điện VIII; tích cực triển khai các dự án, công trình điện lực đã được phê duyệt theo Quy hoạch/ Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo tiến độ đề ra.
Bộ Công thương tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương, bộ, ngành, sớm hoàn thiện đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Đồng thời, cần thành lập tổ công tác thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; định kỳ rà soát, đôn đốc quá trình thực hiện triển khai quy hoạch.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao các sở, ban ngành, địa phương chủ động phối hợp, rà soát, cung cấp thông tin, số liệu, nhu cầu về nguồn và lưới điện và góp ý một số nội dung trên địa bàn tỉnh vào dự thảo Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Theo đó, Hà Tĩnh tiếp tục đề xuất Bộ Công thương một số nội dung:
- Cập nhật, điều chỉnh Dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG Vũng Áng III là dự án nguồn điện quan trọng ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 để kịp thời thay thế cho các dự án chậm tiến độ hoặc không thể triển khai trong Quy hoạch điện VIII.
- Cập nhật nhu cầu công suất, danh mục các vị trí, dự án nguồn điện tiềm năng chưa có trong Quy hoạch/Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hoạch điện VIII trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
- Cập nhật, bổ sung đường dây 500kV đấu nối để đồng bộ với tiến độ triển khai Nhà máy nhiệt điện khí LNG Vũng Áng III đề xuất nêu trên.
- Cập nhật danh mục công trình lưới điện đấu nối phục vụ nhập khẩu điện từ Nhà máy điện gió Cha Lo và The Light tại Lào về Việt Nam đấu nối với TBA 500kV Hà Tĩnh vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
- Điều chỉnh tiến độ xây dựng đường dây và TBA 220kV Can Lộc trong giai đoạn 2026 – 2028 để phù hợp với tình hình thực tiễn nhu cầu phụ tải trên địa bàn.