Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Khởi đầu hành trình với nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng quyết tâm cao, Hà Tĩnh đã cán đích thu ngân sách vô cùng ngoạn mục. Theo đó, đến hết ngày 31/12/2024, tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt hơn 18.100 tỷ đồng (đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao). Trong đó, thu nội địa đạt 10.268 tỷ đồng, đạt 127% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 12% so với năm trước; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 7.832 tỷ đồng, đạt 82,07% dự toán, bằng 88% so với năm trước.
Riêng lĩnh vực thu ngân sách nội địa, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã xác lập mốc son mới, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, thu từ đất đạt gần 3.100 tỷ đồng (đạt 172% dự toán, tăng 30% so với năm trước); thu thuế, phí đạt 7.168 tỷ đồng (đạt 111,9% dự toán, tăng hơn 4% so với cùng kỳ, chiếm 69,8% tỷ trọng thu nội địa). Nếu loại trừ khoản thu đột biến 1.098 tỷ đồng của Công ty TNHH Giang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh năm 2023 thì thu thuế phí tăng 21,8% so với năm 2023.
Theo ông Trịnh Văn Ngọc - Giám đốc Sở Tài chính: Thu ngân sách là thước đo sức khỏe nền kinh tế, số thu càng cao cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng bền vững. Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng tổng thu ngân sách Hà Tĩnh vẫn đạt và vượt 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Kết quả này đến từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cơ quan tham mưu triển khai nhiệm vụ và cấp ủy, chính quyền các cấp.
Ngay từ đầu năm, Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển để tăng nguồn thu bền vững. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các biện pháp để động viên kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước (NSNN).
Theo địa bàn, Hà Tĩnh có 12/13 huyện/thị/thành phố vượt dự toán được HĐND tỉnh giao (trừ huyện Đức Thọ). Trong đó, có nhiều địa bàn vượt thu cao như: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh... Ngoài thu tiền sử dụng đất vượt dự toán, các khoản thu từ thuế phí như: khu vực kinh tế ngoài quốc doanh; lệ phí trước bạ; thuế thu nhập cá nhân; phí và lệ phí; thu tiền cho thuê đất, mặt nước; thu khác ngân sách... cũng tăng cao giúp Hà Tĩnh có thêm nguồn lực đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên.
Ông Hà Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và ngành thuế, ngay từ đầu năm, địa phương đã ban hành nhiều phương án chống thất thu NSNN. Định kỳ hằng tháng, huyện đều lồng ghép họp chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu ngân sách ở các xã, thị trấn. UBND huyện cũng giao chi cục thuế theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NSNN của các địa bàn; phân tích các nhân tố làm ảnh hưởng, tăng giảm nguồn thu để có biện pháp xử lý kịp thời... Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chỉ trong 6 tháng đầu năm, địa phương đã hoàn thành dự toán Trung ương giao. Đến hết năm, toàn huyện thu ngân sách đạt 550 tỷ đồng (tăng 72% dự toán tỉnh giao, tăng 42% dự toán huyện giao và tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023”.
Cải cách hành chính tạo đột phá
Các cơ quan tài chính trên địa bàn Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng thu, trong đó lấy cải cách hành chính làm mũi đột phá để phát triển các dư địa mới. Các chính sách, pháp luật về thuế và hải quan được triển khai sâu rộng, tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa được triển khai hiệu quả, giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ NSNN.
Ông Bùi Thanh San - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Những giải pháp cải cách, hiện đại hóa được đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả nhằm chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển. Hiện nay, hệ thống chính sách pháp luật hải quan đã được xây dựng đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, hiện đại; thủ tục đơn giản, hài hòa, đạt chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, ngành cũng đã áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Việc phát triển quan hệ đối tác hải quan - DN và các bên liên quan từng bước phát triển và ngày càng đi vào thực chất, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu NSNN”.
Đối với ngành thuế, công tác cải cách hành chính trở thành mũi đột phá giúp đơn vị cán đích thu ngân sách ngoạn mục. Trong năm 2024, ngành thuế triển khai mạnh mẽ ứng dụng hóa đơn điện tử; cài đặt eTax Mobile; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, xuất hóa đơn lẻ từng lần bán hàng đối với DN kinh doanh xăng dầu; bản đồ số hộ kinh doanh... đã góp phần tăng thu trên nhiều lĩnh vực. Song song với cải cách, ngành thuế cũng kịp thời triển khai các gói chính sách hỗ trợ gia hạn và giảm thuế của Chính phủ để giải tỏa khó khăn cho người dân, DN; từ đó khơi thông SXKD và tăng thu ngân sách bền vững.
Ông Trương Quang Long - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Để thu ngân sách đạt kết quả cao nhất, toàn ngành triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; khai thác các nguồn thu mới phát sinh đưa vào theo dõi, quản lý, thu thuế; tiếp tục quản lý chặt chẽ các khoản thuế trong hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh thương mại điện tử, khai thác tài nguyên khoáng sản; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, rà soát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh trên địa bàn tránh bỏ sót nguồn thu; tăng cường kiểm tra, giám sát liên quan đến hóa đơn điện tử”.
Với tổng thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định những bước đi đúng đắn, vững chắc trên hành trình xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung như Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra. Kết quả này cũng là động lực để các cơ quan tài chính ngân sách tự tin bước vào hành trình chinh phục những mục tiêu cao hơn trong năm 2025.