Sạt lở, bồi lắng cửa sông Xích Mộ - nỗi lo của người dân vùng biển Kỳ Nam

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, tình trạng triều cường, mưa bão đang tác động ngày một lớn lên khu vực cửa sông Xích Mộ, thuộc thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng bồi lấp cửa sông mà nó còn tác động xấu đến cuộc sống của người dân...

Sạt lở, bồi lắng cửa sông Xích Mộ - nỗi lo của người dân vùng biển Kỳ Nam

Cửa sông Xích Mộ đã bị cát biển bồi lắng, có thể qua lại hai bên bờ bình thường mà không cần phải bơi lội hai chèo đò...

Tại hiện trường, hình ảnh dễ nhận thấy nhất, đó là con sông Xích Mộ mang theo dòng nước ngọt từ đất liền chảy ra biển, khi đến cửa sông thì khô cạn hoàn toàn.

Cát biển đã được sóng dồn lên tạo thành một gò đất cao, bồi lấp hoàn toàn dòng chảy, tạo sự ngăn cách giữa nước sông và nước biển. Khu vực cửa sông rộng hàng trăm mét nhưng không hề có một dòng chảy nào, người và xe máy có thể qua lại bình thường...

Sạt lở, bồi lắng cửa sông Xích Mộ - nỗi lo của người dân vùng biển Kỳ Nam

Rừng phi lao chắn chắn sóng, ngăn cát ở Cồn Choi bị sóng gió đánh gãy cành, trồi gốc, dần thưa thớt và đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ...

Cạnh đó là khung cảnh những cồn cát trải dài khoảng 5 km quanh bờ biển đang bị sóng biển xói mòn, sạt lở, nước biển xâm lấn. Trên những cồn cát mênh mông đó là rừng phi lao chắn sóng có tuổi đời lên tới cả trăm năm với nhiều gốc to đến mức người lớn ôm không xuể cũng bị triều cường, mưa bão gây hại, cành lá gãy trọc trụi, rễ bị xói mòn, trơ gốc.

Đáng chú ý nhất, tại khu vực Cồn Choi (nằm sát cửa sông), rừng phi lao có dấu hiệu bị chia cắt theo từng cụm, trên mặt đất có nhiều gốc cây lớn đã bị chết, một số khác nằm trơ gốc, lộ ra bộ rễ chằng chịt và đen sì ở phía bờ biển, chắc cũng chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ bị chết...

Sạt lở, bồi lắng cửa sông Xích Mộ - nỗi lo của người dân vùng biển Kỳ Nam

Những cây phi lao già cỗi bị triều cường, gió bão tàn phá

Cụ Bùi Thị Hoánh, sinh sống ngay sát cửa sông cho biết: “Tình trạng sạt lở, bồi lấp ở đây dường như năm nào cũng xảy ra, nhưng tác động lớn nhất là vào mùa mưa bão, khi có thiên tai, triều cường.

Đặc biệt, do bị ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm trước (tháng 9/2017 - PV), sóng biển đã cuốn trôi cát trên bờ, gây sạt lở cho khu rừng phi lao; sau đó bồi cát vào khu vực cửa sông dẫn đến tình trạng như bây giờ. Tình trạng này đang khiến bà con sinh sống gần khu vực này khá lo lắng...”

Sạt lở, bồi lắng cửa sông Xích Mộ - nỗi lo của người dân vùng biển Kỳ Nam

Theo cụ Bùi Thị Hoánh, nếu không có rừng phi lao này thì trong các trận mưa bão nước sẽ tràn vào làng, nhưng nay chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Đình Đắc, một ngư dân trong thôn cho biết: “Do sinh sống gần cửa sông, cửa lạch nên năm nào chúng tôi cũng bị ảnh hưởng của thiên tai, nhưng gần đây chúng tôi cảm thấy lo sợ hơn. Nguyên nhân là do mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp, cửa sông bị bồi lấp, rừng phòng hộ ngày một bị thu hẹp, thậm chí có doanh nghiệp còn có ý định phá bỏ để làm hồ nuôi tôm. Và thực tế cũng cho thấy, trong trận bão tháng 9/2017 sóng biển đã đánh cao hơn 4 m, triều cường dâng cao vài ba mét, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nước dâng ngấp nghé mặt đường giao thông ven sông và gây sạt lở một số đoạn”...

Sạt lở, bồi lắng cửa sông Xích Mộ - nỗi lo của người dân vùng biển Kỳ Nam

Tuyến đường giao thông bao quanh thôn Minh Đức, chạy dọc theo sông Xích Mộ, cách bờ biển khoảng 400m bị nước biển đánh trôi lề chưa được khắc phục...

Cũng theo anh Đắc: “Ngoài việc bảo vệ “hàng đê xanh”, có phương án chống sóng biển gây sạt lở cồn cát, nước biển xâm thực thì chúng tôi còn mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí để khơi thông luồng lạch tại khu vực cửa sông. Nếu làm được như thế thì nước biển không thể vào làng, khi có mưa bão tàu thuyền của bà con mới có thể chạy vào sông tránh trú, mùa mưa lụt nước trong đất liền thoát được nhanh, người dân trong làng yên tâm sinh sống và làm ăn...”

Sạt lở, bồi lắng cửa sông Xích Mộ - nỗi lo của người dân vùng biển Kỳ Nam

Theo người dân, nếu được nạo vét cửa sông thì không chỉ giúp khơi thông dòng chảy, hạn chế các sự cố bất thường mà khi có mưa bão tàu thuyền có thể chạy theo sông Xích Mộ vào sâu 3-4km trong đất liền để tránh trú .

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vin - Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết: “Tình trạng này đang gây xáo trộn môi trường sinh thái và làm ảnh hưởng đến tàu thuyền đi lại, nuôi trồng thủy sản cũng như đời sống của nhân dân trong vùng. Trước tình hình đó, chúng tôi đã có văn bản báo cáo các ngành chức năng để xem xét, đánh giá và có phương án khắc phục. Về phía địa phương, chúng tôi cho rằng việc xem xét, bố trí kinh phí để nạo vét cửa sông, bảo vệ rừng phòng hộ và đầu tư làm kè bao quanh khu vực bờ bờ sông, bãi biển gần khu vực này là điều hết sức cấp bách"

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast