Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh nói gì trước kỳ giảm lãi suất điều hành?

(Baohatinh.vn) - Với kỳ giảm lãi suất điều hành mà NHNN Việt Nam công bố ngày 14/3/2023, các doanh nghiệp, người dân ở Hà Tĩnh đang kiến nghị ngành ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh nói gì trước kỳ giảm lãi suất điều hành?

Ngày 14/3/2023, NHNN Việt Nam phát thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành.

Ngày 14/3/2023, NHNN Việt Nam phát đi thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành. Các loại lãi suất điều hành giảm gồm tái chiết khấu và cho vay qua đêm (trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với tổ chức tín dụng).

Cùng đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 5,5% xuống 5% một năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5% xuống 6% một năm.

Đợt điều chỉnh lãi suất điều hành lần này không áp dụng với trần lãi suất huy động. Mức lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.

Theo tìm hiểu, trong kỳ giảm lãi suất điều hành này, đa phần doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân ở Hà Tĩnh không nằm trong đối tượng được giảm lãi suất cho vay. Trong khi phải đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 như: đơn hàng sụt giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, rủi ro trong quá trình hoạt động..., cộng đồng doanh nghiệp, HTX đang rất áp lực trong việc trả nợ ngân hàng.

Ông Bùi Đình Ước - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy (Cẩm Xuyên) cho biết: “Lần này, chỉ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên được giảm, còn chúng tôi cơ bản là nguồn vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thông thường (không thuộc lĩnh vực ưu tiên - PV) nên không được giảm lãi suất.

Doanh nghiệp chúng tôi chuyên xây lắp các công trình giao thông trọng điểm quốc gia và đang tham gia dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam. Đơn vị đang vay vốn tại 4 ngân hàng trên địa bàn với lãi suất cao. Trong thời điểm giá vật liệu liên tiếp “leo thang”, lãi suất cho vay của các ngân hàng “neo” ở mức cao là một bất lợi đối với doanh nghiệp. Đề nghị ngành ngân hàng có chiến lược giảm lãi suất huy động vốn để giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh nói gì trước kỳ giảm lãi suất điều hành?

Giá vật liệu “leo thang” cùng với lãi suất ngân hàng ở mức cao là bất lợi đối với Công ty CP Tập đoàn Thành Huy.

HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan (xã Thạch Châu - Lộc Hà) chuyên nuôi ngao thương phẩm tại các vùng bãi bồi ven sông Cửa Sót. Năm nay, nguồn thu của đơn vị giảm mạnh do có đến 300 tấn ngao thương phẩm bị chết, thiệt hại ước tính trên 3 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Loan - Giám đốc HTX cho hay: “Chúng tôi đang vay gói dài hạn 3,8 tỷ đồng tại Agribank và 1,6 tỷ đồng tại ACB. Thời gian gần đây, lãi suất cho vay đối với HTX tăng cao, từ 9 - 10%/năm, trong khi HTX đang đối mặt khó khăn nên hoạt động rất chật vật. Vừa qua, NHNN Việt Nam giảm lãi suất điều hành, song, HTX không thuộc diện được giảm lãi suất. Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng tận thu diện tích ngao khỏe mạnh để trả nợ ngân hàng và trang trải phần nào chi phí hoạt động”.

Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh nói gì trước kỳ giảm lãi suất điều hành?

HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan đề nghị các ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn để có thể giảm lãi suất cho vay.

Không chỉ doanh nghiệp, HTX mà người dân vay ngân hàng phục vụ tiêu dùng như: mua ô tô, mua nhà ở, xây nhà ở, mua đất ở… cũng đang chịu áp lực khi lãi suất ngân hàng đang ở mức cao.

Chị Nguyễn Thị Trâm (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tháng 12/2020, gia đình tôi vay 350 triệu đồng tại Vietcombank Hà Tĩnh để mua ô tô. Hiện nay, lãi suất đã lên trên 11%/năm. Trong kỳ điều hành của NHNN Việt Nam lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ được giảm phần nào lãi suất cho vay nhưng lại không thuộc diện khách hàng được giảm”.

Giảm lãi suất điều hành, theo NHNN Việt Nam là việc làm quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới. Đây là tín hiệu để các nhà băng nghiên cứu, cân đối và có động thái giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Kỳ giảm lãi suất này, chỉ một bộ phận nhỏ khách hàng được hưởng lợi. Cụ thể là chỉ lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng với lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) được giảm lãi suất.

Trên địa bàn Hà Tĩnh, ngoài các “ông lớn” như: Viecombank, Agribank, BIDV… có phát sinh dư nợ (không đáng kể) đối với lĩnh vực ưu tiên thì các ngân hàng thương mại cổ phần đều không tham gia cho vay lĩnh vực này.

Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh nói gì trước kỳ giảm lãi suất điều hành?

SHB Hà Tĩnh không phát sinh dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hoa - Giám đốc SBH Chi nhánh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, chi nhánh không phát sinh dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Bởi vậy, trong kỳ giảm lãi suất điều hành ngày 14/3/2023 vừa qua, không có khách hàng nào giao dịch tại SHB thuộc đối tượng được giảm lãi suất cho vay.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp Hà Tĩnh vừa qua, ông Lê Đức Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở mức cao thì mỗi doanh nghiệp phải tự “nâng cao sức đề kháng” bằng cách đổi mới tư duy, tận dụng thời cơ, xây dựng và triển khai phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả... Từ đó, các doanh nghiệp mới có thể mở rộng quy mô, phát triển bền vững.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.