Đổi thay miền quê Hà Tĩnh - nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn đặt sở chỉ huy

(Baohatinh.vn) - Năm 2023, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh) quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao, dâng tặng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Vùng đất hào hùng

Đổi thay miền quê Hà Tĩnh - nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn đặt sở chỉ huy

Chỉ huy sở các Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 giai đoạn 1965 - 1971 đều đóng trong các nhà dân thuộc thôn 7, xã Hương Đô.

Vào cuối năm 1965, đầu năm 1966 - khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn ác liệt, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, đạn dược, nhân lực kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đã quyết định chuyển Sở Chỉ huy Tiền phương từ huyện Minh Hóa (Quảng Bình) về xã Hương Đô, Hương Khê. Lúc này, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tư lệnh Tiền phương Tổng cục Hậu cần.

Với lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, người dân Hương Đô đã nhường 20 ngôi nhà cùng với hàng chục ha vườn để bộ đội xây dựng cơ sở phục vụ tác chiến như: Nhà Sở Chỉ huy, hội trường hội họp và sinh hoạt văn nghệ, bộ phận hậu cần, bộ phận thông tin liên lạc... Đường làng, ngõ xóm, đình, nhà thờ họ, nhà dân đều trở thành nơi chứa hàng hóa, lương thực, thực phẩm của Nhà nước và quân đội.

Đổi thay miền quê Hà Tĩnh - nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn đặt sở chỉ huy

Ông Nguyễn Văn Khánh (80 tuổi,thứ 7 từ phải sang) – người dân thôn 7, xã Hương Đô chia sẻ với thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng quê hương.

Trong ký ức của nhiều người dân địa phương, những căn nhà, lũy tre không chỉ là căn cứ cách mạng mà còn là minh chứng khẳng định lòng tin, sự chở che của Nhân dân đối với bộ đội, với Đảng. Ông Nguyễn Văn Khánh (80 tuổi) – người dân thôn 7, xã Hương Đô kể lại: “Khi có bộ đội đến, gia đình tình nguyện hiến nhà, vườn và còn góp gạo, khoai để tặng bộ đội. Cả làng ai cũng hăng hái nhường nhà, nhường vườn để làm cách mạng, bảo vệ bộ đội. Sau đó cá nhân tôi tham gia dân quân, với nhiệm vụ đi sửa chữa cầu, phà trên các tuyến đường bị bom giặc phá hoại”.

Nói về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ông Khánh phấn khởi: “Dù là tư lệnh nhưng bác rất gần gũi với Nhân dân, tôi chỉ là người dân trong làng nhưng vẫn được bác mời ăn cơm chung, được bác dẫn đi xem văn nghệ... Cũng từ những lần ấy, tôi thấy trên người bác đầy vết thương của bom đạn chiến tranh”.

Theo tư liệu, mùa vận chuyển 1966-1967, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã đạt kết quả khá toàn diện khi vận chuyển được tổng số 17.469 tấn hàng, bắn rơi 163 máy bay, bắn bị thương 284 chiếc khác. Trên toàn tuyến mở thêm 108 km đường mới, 284 km đường vòng tránh...

Đổi thay trên vùng quê cách mạng

Đổi thay miền quê Hà Tĩnh - nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn đặt sở chỉ huy

Vùng đất cách mạng Hương Đô ngày nay đã đổi thay với những vườn cây ăn trái sum suê.

Khi đất nước thống nhất, dù nơi đây vẫn còn in rõ dấu tích bom cày, đạn xới nhưng người dân Hương Đô vẫn đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để xây dựng quê hương. Vùng đất cách mạng ngày nay đã đổi thay với những vườn cây ăn trái sum suê, cánh đồng bạt ngàn ngô lúa; nhiều con đường trải nhựa, bê tông khang trang cùng những ngôi nhà mái ngói kiên cố mọc san sát...

Đổi thay miền quê Hà Tĩnh - nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn đặt sở chỉ huy

Gia đình anh Nguyễn Văn Phúc nỗ lực phát triển kinh tế để xứng đáng với công lao thế hệ trước.

Tại thôn 6, xã Hương Đô, sau gần 10 năm khai phá, trồng trọt, gia đình anh Nguyễn Văn Phúc đã có 2 ha cam các loại. Anh Phúc cho hay: “Vinh dự được sinh sống, lao động, sản xuất trên vùng đất cách mạng, chúng tôi luôn có trách nhiệm xây dựng quê hương phát triển, xứng đáng với những công lao của thế hệ trước. Vì vậy, vợ chồng tôi không quản khó khăn vào vùng Khe Mây lập nghiệp. Đến nay, nhờ chăm sóc đúng quy trình, vườn cam chúng tôi được công nhận đạt chuẩn VietGap, mỗi năm cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng”.

Không chỉ anh Phúc, hiện nay toàn xã Hương Đô đã có 335 ha cam các loại cùng 192 ha bưởi Phúc Trạch, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con.

Đổi thay miền quê Hà Tĩnh - nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn đặt sở chỉ huy

Nhân dân Hương Đô nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Bí thư Đảng ủy xã Hương Đô Nguyễn Tuấn Anh cho biết, noi gương Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền xã xác định phương châm xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm, từ đó đã có những nghị quyết phù hợp với đặc điểm của địa phương, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần mang lại hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Năm 2022 kinh tế địa phương có bước phát triển ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Kinh tế vườn, trang trại được tập trung chỉ đạo phát triển. Đến nay, toàn xã có 13 mô hình áp dụng chương trình VietGap, với tổng diện tích 72 ha; đang mở rộng thêm 46,5 ha.

Đổi thay miền quê Hà Tĩnh - nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chọn đặt sở chỉ huy

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản xã Hương Đô trong năm 2022 đạt 210,1 tỷ đồng.

Tổng đàn trâu bò hiện có 2.250 con. Bên cạnh đó, có hơn 350 con lợn, 33.789 con gia cầm, gần 600 tổ ong. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 210,1 tỷ đồng; tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất đạt 11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 51,06 triệu đồng/người/năm.

“Năm 2023, Hương Đô tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gắn với truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn VietGap, chuyển đổi số, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Nhiệm vụ trọng tâm nhất của địa phương là hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kết quả này sẽ là món quà ý nghĩa dâng tặng sinh nhật lần thứ 100 của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên” - Bí thư Đảng ủy xã Hương Đô Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.