Sáng 23/3, Tổ giúp việc dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (VN - SIPA) tại Hà Tĩnh đã có chương trình làm việc báo cáo tiến độ và thảo luận kế hoạch thực hiện dự án. Tham dự buổi làm việc có ông Patric Rolf Schalager - Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) - đại diện nhà tài trợ; ông Nguyễn Quang Tân - Trưởng Đại diện Trung tâm Nghiên cứu nông lâm quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam và các thành viên tổ giúp việc thực hiện dự án tại Hà Tĩnh. |
Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (VN - SIPA) do Chính phủ CHLB Đức tài trợ thông qua cơ quan Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ). Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm Nghiên cứu nông lâm quốc tế (ICRAF) và các bên liên quan cấp tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện nội dung của dự án tại Hà Tĩnh về “Thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA/CSA) và quản lý rủi ro khí hậu có sự tham gia cho các hộ thuộc các huyện dễ bị tổn thương tỉnh Hà Tĩnh” (SIPA Hà Tĩnh).
Dự án SIPA Hà Tĩnh triển khai từ tháng 3/2020 và chính thức thực hiện các mô hình từ tháng 11/2020 tại các địa phương: xã Sơn Tiến, Sơn Hồng (Hương Sơn); xã Vượng Lộc, thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc).
Bà Lê Thị Tầm - đại diện ICRAF Việt Nam trình bày tiến độ tổng thể dự án SIPA tại Hà Tĩnh
Dự án gồm 4 hợp phần: Cải thiện khả năng thích ứng và sinh kế cho nông hộ nhỏ thông qua việc thực hiện mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái/thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu có lồng ghép giới và có khả năng nhân rộng (hợp phần I);
Nâng cao năng lực cho các bên liên quan về lập kế hoạch thích ứng với khí hậu, tập trung vào ngành nông nghiệp (hợp phần II); xây dựng những nghiên cứu tình huống thực tế về mất mát và thiệt hại ở Hà Tĩnh (hợp phần III); xây dựng đề cương thích ứng, bao gồm kế hoạch tài chính, phù hợp với chương trình của tỉnh và quốc gia (hợp phần IV).
Dự kiến, dự án sẽ kết thúc vào tháng 12/2021.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nguyễn Hữu Ngọc trình bày về kết quả bước đầu của các mô hình đã triển khai
Theo đó, dự án đã lựa chọn và xây dựng 5 mô hình với 234 hộ tham gia chính thức, gồm: mô hình sản xuất hành tăm luân canh cây họ đậu gắn với chuỗi OCOP (xã Vượng Lộc); mô hình nâng cao hiệu quả kinh tế dựa trên phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp; mô hình nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn đồi và rừng trồng, rừng tự nhiên tại thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc) và xã Sơn Tiến, Sơn Hồng (Hương Sơn);
Mô hình trồng cỏ chịu hạn và chất lượng cho chăn nuôi tại xã Sơn Tiến (Hương Sơn) và mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt kết hợp với phát triển hệ sinh thái vườn đồi tại xã Vượng Lộc (Can Lộc).
Bà Elisabeth - ICRAF Việt Nam trình bày tiến độ thực hiện hợp phần III tại Hà Tĩnh
Bước đầu, các mô hình phát triển khá tốt, người nông dân được tập huấn, hỗ trợ các kỹ thuật, giải pháp trong trong sản xuất thích ứng dựa vào hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Riêng mô hình “Nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn đồi và rừng trồng, rừng tự nhiên” đã cho thu hoạch với mức bình quân 6 kg mật/hộ.
Ông Patric Rolf Schlager - Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) - đại diện nhà tài trợ đánh giá cao những hiệu quả, sự thích ứng bước đầu của dự án tại Hà Tĩnh
Trong các hợp phần khác, các thành viên tổ giúp việc đã tiếp tục phối hợp tổ chức tập huấn cho người dân hưởng lợi, triển khai các mô hình thích ứng dựa vào hệ sinh thái; tiến hành thống nhất về tiến độ triển khai hợp phần II; thu thập, phân tích số liệu và đề xuất cải thiện về biểu mẫu và báo cáo số liệu về tổn thất và thiệt hại do thiên tai (hợp phần III); xây dựng một số đề xuất dự án thích ứng với các quỹ hỗ trợ triển khai về thích ứng.
Tại buổi làm việc, các thành viên đã cùng thảo luận về kế hoạch hoạt động dự án trong năm 2021; chiến lược kết thúc dự án…