Dư nợ tín dụng Hà Tĩnh tăng mạnh, tiếp sức phục hồi kinh tế

(Baohatinh.vn) - 2022 là năm người dân, doanh nghiệp (DN) được hấp thụ nhiều chính sách tín dụng, qua đó đẩy dư nợ của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh tăng cao, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19.

Dư nợ tín dụng Hà Tĩnh tăng mạnh, tiếp sức phục hồi kinh tế

95% dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II thuộc lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Năm 2022, những tác động của lạm phát kinh tế thế giới, xung đột Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá nguyên liệu, hàng hóa gia tăng. DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn phải đối mặt khó khăn khi chi phí phát sinh, nhiều thời điểm đơn hàng bị giảm sút… Bởi vậy, họ cần nguồn vốn kịp thời để đầu tư, đảm bảo không “đứt gãy” chuỗi SXKD. Ngành ngân hàng Hà Tĩnh đã linh hoạt, chủ động cân đối nguồn lực, tạo điều kiện tiếp vốn cho những dự án khả thi, những tổ chức, cá nhân đủ tiềm lực về kinh tế.

Bắt nhịp sản xuất, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã đồng hành với các chương trình tín dụng nông nghiệp - nông thôn. Đến nay, tổng dư nợ của chi nhánh đạt hơn 12.420 tỷ đồng, trong đó, 95% dư nợ thuộc lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Ông Võ Văn Nhất - Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II khẳng định: “Chi nhánh luôn đồng hành cùng người dân, DN thực hiện ước mơ làm nông nghiệp hiện đại. Trong bối cảnh hậu COVID-19 nhiều khó khăn, năm 2022, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã nỗ lực mang nguồn vốn giá rẻ đến với khách hàng bằng các gói vay tín dụng ưu đãi như: gói vay 100.000 tỷ đồng (lãi suất chỉ 4,5%/năm), chính sách giảm 20% lãi suất hiện hữu cho vay đối với khách hàng dư nợ tại thời điểm 30/11/2022”.

2022 cũng là năm người dân, DN trên địa bàn được hấp thụ nhiều chính sách tín dụng ưu đãi. Đó là cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; cho vay hỗ trợ theo Nghị quyết 51/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Quyết định 868/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ… Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng được DN, HTX, hộ kinh doanh đón đợi. Hiện nay, 5 ngân hàng thương mại trên địa bàn là Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II, VietinBank Hà Tĩnh, Vietcombank Hà Tĩnh và ACB Hà Tĩnh đã phát sinh dư nợ gói tín dụng đặc biệt này.

Dư nợ tín dụng Hà Tĩnh tăng mạnh, tiếp sức phục hồi kinh tế

Công ty CP Dược Hà Tĩnh được các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ AZ Home HT (TP Hà Tĩnh), hoạt động trong lĩnh vực nhôm kính, vật liệu xây dựng, giai đoạn 2020-2021, doanh thu của đơn vị bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. DN phải xoay xở đủ đường để đảm bảo các chi phí duy trì hoạt động, giữ chân người lao động, trả lãi ngân hàng… Bởi vậy, khi Ngân hàng ACB Hà Tĩnh cấp hạn mức cho vay 4 tỷ đồng theo gói bù lãi suất 2%/năm, DN có thêm nguồn lực để thực hiện chiến lược kinh doanh mới.

Những tháng cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. San sẻ gánh nặng với khách hàng, nhiều ngân hàng như: Vietcombank, Agribank, HDBank, ACB… đồng loạt giảm lãi suất cho vay.

Ông Nguyễn Nhật Trung - Giám đốc Công ty TNHH Vật tư tổng hợp Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi chuyên phân phối phân bón và gạo cho thị trường trong nước. Đơn vị gặp khó do giá phân bón tăng, trong khi sức mua giảm gây ứ đọng nguồn vốn. Chúng tôi vay Vietcombank Bắc Hà Tĩnh 30 tỷ đồng, với việc giảm lãi suất 1%/năm thì 2 tháng cuối năm được giảm 50 triệu đồng tiền lãi, qua đó giảm phần nào gánh nặng về tài chính để đảm bảo chế độ lương, thưởng cho người lao động”.

Dư nợ tín dụng Hà Tĩnh tăng mạnh, tiếp sức phục hồi kinh tế

Nhân viên Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn người dân thị trấn Đức Thọ đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Ngay từ đầu năm, NHNN tỉnh đã chỉ đạo, quán triệt kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm, các cơ chế, chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn, truyền tải đầy đủ để các sở, ban, ngành phối hợp thực hiện và người dân, DN nắm bắt, tiếp cận. Qua đó, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đã tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, ngành và cộng đồng DN, người dân.

Ông Nguyễn Văn Trung - Giám đốc NHNN tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2022, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát, nhu cầu vốn phục hồi SXKD của người dân tăng cao. Theo đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên địa bàn đã tăng hơn 15.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên, các dự án có hiệu quả.

Đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng toàn địa bàn đạt hơn 84.490 tỷ đồng, tăng 21,52% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cao cho thấy nhu cầu nguồn vốn của khách hàng để đầu tư SXKD đã được các tổ chức tín dụng chấp thuận. Việc nhiều tổ chức, cá nhân được hấp thụ các chính sách tín dụng ưu đãi cũng góp phần đẩy dư nợ của toàn địa bàn tăng cao. Điều đáng ghi nhận là mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, song nhờ chủ động kiểm soát chặt chẽ nên tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng nằm trong giới hạn cho phép”.

Dư nợ tín dụng Hà Tĩnh tăng mạnh, tiếp sức phục hồi kinh tế

Năm 2023, ngành ngân hàng Hà Tĩnh phấn đấu dư nợ tín dụng tăng từ 14-16% so với cuối năm 2022.

Năm 2023, ngành ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ tại địa bàn; đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay, tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.

Kết hợp hài hòa giữa mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh của ngân hàng với việc phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương, tích cực cho vay các chương trình, dự án kinh tế theo các chính sách đầu tư của tỉnh. Ngành phấn đấu dư nợ tín dụng tăng từ 14-16% so với cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%, đảm bảo an toàn hoạt động của toàn hệ thống.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.