Trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Hà Tĩnh nói riêng, hiện nay, nhu cầu sử dụng xe khách giường nằm là rất lớn. Chỉ riêng tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội mỗi ngày đêm có hơn 30 chuyến xuất phát từ Bến xe thành phố. Tuy nhiên, việc sử dụng dây an toàn trên những chuyến xe này còn rất hạn chế. Hầu hết dây an toàn đều được buộc lại dưới gầm ghế để đỡ vướng, một số khác bị hỏng hóc không thể sử dụng hoặc đã bị nhà xe gỡ bỏ hẳn.
“Cả xe chỉ mình tôi thắt dây an toàn” - anh Nguyễn Thái Yên (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) chia sẻ về những lần ra công tác ở Hà Nội. Đáng buồn hơn, nhiều lần chủ xe còn khuyên anh không cần phải dùng đến vì “xe chạy rất êm, không thể rơi ra khỏi giường” (?).
Nhiều hành khách luôn có cảm giác vướng víu, khó chịu khi sử dụng dây an toàn. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra va chạm trực diện làm chiếc xe đột ngột dừng lại, dây an toàn giữ chắc cơ thể, giúp lái xe và hành khách không bị văng khỏi ghế và giảm thiểu các tác hại.
Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại Khoản 1, Điều 5 quy định, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn và chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Ngoài ra, trường hợp hành khách đi xe không chấp hành hướng dẫn của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe về các quy định bảo đảm trật tự ATGT thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng (quy định tại Khoản 1, Điều 32).
Vấn đề quan trọng nhất chính là hành khách cần phải nhận thấy được sự cần thiết của việc thắt dây an toàn, tạo thói quen và nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, để góp phần đảm bảo trật tự ATGT.