Đừng cấm con đến trường, hãy đặt quyền lợi của con trẻ lên trên hết!

(Baohatinh.vn) - Liên tiếp trong 3 năm gần đây, tại Hà Tĩnh đã diễn ra 3 vụ việc ngăn cấm con trẻ đến trường của các bậc làm cha làm mẹ và một số phần tử cực đoan. Đầu tiên là ở xã Hương Bình (Hương Khê) năm 2014. Tiếp đến là ở xã Kỳ Lợi, trong 2 năm 2014-2015 và gần đây nhất là ở xã Kỳ Hà (TX. Kỳ Anh) khi bước vào năm học 2016-2017.

>> Không thu tiền xây dựng trường với học sinh Kỳ Hà

>> Hơn 1.000 học sinh Kỳ Hà không dự ngày khai giảng do phụ huynh ngăn cấm

Tất cả các vụ việc có nguyên nhân khác nhau và theo thời gian đều được giải quyết, song chung quy lại, từ việc người lớn đánh đổi việc học của trẻ em nhằm gây sức ép cho chính quyền, thiệt thòi nhiều nhất vẫn là các học sinhlà con em của họ.

dung cam con den truong hay dat quyen loi cua con tre len tren het

Lớp đã đông hơn khi có thêm hàng chục học sinh trở lại trường

Bước vào mùa khai giảng năm học mới 2014-2015, gần 600 học sinh thuộc 3 cấp học ở Hương Bình không được đến trường, lý do là vì bố mẹ các em phản đối chuyện sáp nhập Trường THCS Hương Bình với 2 Trường THCS Phúc Đồng và Hòa Hải, con em họ không học tại trường của xã nữa.

Đáng nói là dù chỉ liên quan tới việc sáp nhập trường THCS nhưng những người làm cha làm mẹ cũng đang tâm “cấm luôn” việc con em tới trường tiểu học và mầm non ngay tại xã.

Thầy cô giáo, cán bộ đoàn thể, cán bộ huyện về vận động cũng vô ích. Vụ việc chỉ được giải quyết, các em được trở lại trường vào đầu học kỳ II khi 4 phần tử xúi giục, kích động, cản trở việc trẻ em đến trường bị bắt, 1 cán bộ HĐND xã bị kỷ luật.

Cũng trong năm học 2014-2015, 119 học sinh Kỳ Lợi (Kỳ Anh) không được cha mẹ cho đến trường vì phản đối chuyện di dời lên nơi ở mới. Mặc dầu huyện đã tổ chức xe buýt đưa đón các em nhưng vẫn không lay chuyển được tư tưởng cực đoan của các bậc làm cha làm mẹ. Tình trạng này kéo dài đến năm học 2016-2017, các em mới được đến trường, trễ học mất 2 năm, ngành Giáo dục phải tổ chức dạy bù.

dung cam con den truong hay dat quyen loi cua con tre len tren het

Cô giáo Dương Thị Hương - chủ nhiệm lớp 8A, Trường THCS Hải Hà (TX. Kỳ Anh) mắt ngấn lệ khi thấy cảnh học trò của mình bị phụ huy "cấm cửa" không được đến lớp

Vừa qua, lại một chuyện đau lòng tiếp theo khi phụ huynh Kỳ Hà (TX. Kỳ Anh) ngăn cấm hơn 1.000 con em ở 3 cấp học đến trường để "yêu sách" về bồi thường sự cố môi trường biển. Dù được đối thoại với chính quyền thị xã, học phí và các khoản đóng đậu sẽ được xem xét miễn, giảm; thầy cô, các tổ chức đoàn thể, xã hội cũng rất quan tâm chia sẻ nhưng phụ huynh vẫn “cấm cửa” con em mình.

Liệu rồi đây còn vụ việc nào tương tự như thế xảy ra nữa không? Trẻ em có còn tiếp tục bị chính cha mẹ mình tước mất quyền lợi học tập nữa không? Vì sao phải đem con trẻ ra làm chiêu bài cho người lớn đòi hỏi các quyền lợi?

Lẽ thường, cha mẹ là những người yêu thương con mình nhất, dù vất vả thiếu thốn đến mức nào cũng “thắt lưng buộc bụng”, “giật gấu vá vai” để lo cho con được học hành đầy đủ, bằng bạn bằng bè. Chỉ khi túng quẫn đến mức không còn cách nào giải quyết họ mới để con thất học. Truyền thống đạo lý ấy của dân tộc Việt, của người Hà Tĩnh đã có từ ngàn năm nay...

Vậy mà, trong ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, những đấng sinh thành lại đang tâm không cho em đi học để yêu sách với chính quyền. Vô tình, họ đã tước bỏ quyền lợi học tập của con em mình mà pháp luật, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định. Họ coi việc gây sức ép cho chính quyền quan trọng hơn cả những khát vọng tuổi thơ, đánh đổi những ánh mắt thèm khát được tung tăng cắp sách tới trường để phục vụ cho những ý đồ riêng của mình.

dung cam con den truong hay dat quyen loi cua con tre len tren het

Được đến trường học tập như những bạn bè cùng trang lứa luôn là khát khao của mỗi cô bé, cậu bé.

“Tuổi thần tiên” là quãng đời đẹp nhất của mỗi con người. Được học hành, vui chơi, ca hát, các em lớn lên sẽ trở thành những người hoàn thiện về nhân cách, trí tuệ và tâm hồn. Có thể trong tương lai, các em sẽ không thành những kỹ sư, bác sĩ mà chỉ là nông dân, ngư dân hay người thợ xây bình thường, nhưng ký ức đẹp đẽ về những ngày tháng đi học sẽ còn lưu giữ mãi trong các em suốt cuộc đời. Rồi các em sẽ biết ơn cha mẹ, thầy cô đã nâng bước cho mình trong quãng đời ấu thơ, nuôi dạy mình thành những người có ích cho xã hội.

Vậy nên, bất luận hoàn cảnh nào, các bậc làm cha làm mẹ cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình, dành cho con em mình những gì tốt đẹp nhất. Mọi khó khăn rồi sẽ qua đi, bên cạnh chúng ta còn cả cộng đồng, cấp ủy, chính quyền, thầy cô giáo, bà con thân thuộc...

Hãy luôn đặt quyền lợi của con em mình trên tất cả mọi toan tính khác! Đó là nghĩa vụ và cũng là đạo lý, tình yêu thương chúng ta giành cho những “khúc ruột máu mủ” của mình!

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.