Trước đây, tại các siêu thị, việc thối tiền lẻ 200, 500 đồng cho khách hàng được quy đổi ra…kẹo. Người bán thường đưa trả khách hàng một vài cái kẹo để thay tờ 200, 500 đáng ra khách hàng được nhận lại. Không ít khách hàng thỏa hiệp, chặc lưỡi cho qua, nhưng cũng không ít người thắc mắc, không đồng tình.
Bỏ vào thùng từ thiện là một cách sử dụng tiền mệnh giá thấp ý nghĩa.
Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt (qua hệ thống thẻ ngân hàng) đã phần nào giải quyết được tình trạng này.
Tuy vậy, việc “chê" tiền mệnh giá thấp lại diễn ra khá phổ biến ở các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (TP Hà Tĩnh) bày tỏ sự khó hiểu: “Có lần tôi trả 10 nghìn để mua bún. Trong đó có 1 tờ 5 nghìn, 1 tờ 2 nghìn và còn lại là tờ 500 đồng. Thế mà người bán cứ nhất định không chịu lấy, cứ nói tôi đưa tờ 20 nghìn trong ví để chị ấy thối lại 10 nghìn. Đó là tờ 500 đồng, còn 200 đồng thì còn khó sử dụng hơn…”
Trong khi đó, cũng không ít người “ngại” nhận về tiền lẻ 200, 500 đồng vì “thà tôi đổi hoặc thêm tiền để mua cái gì đó còn hơn, nhận 200, 500 đồng về sau cũng khó lưu thông lắm”
Thực tế những tờ tiền 200 đồng, 500 đồng có giá trị sử dụng nhỏ so với mặt bằng giá cả hàng hóa hiện nay, nhưng không thể vì thế mà người sử dụng từ chối không chấp nhận tiêu thụ những tờ tiền này. Bởi các tờ tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành dù mệnh giá cao hay thấp đều có giá trị sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hơn nữa, nó hoàn toàn phù hợp và thiết thực, giúp mọi giao dịch mua bán sát với giá trị thực tế và giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu của mình.
Vậy nên, hãy trân trọng và sử dụng tiền mệnh giá thấp một cách thông minh và ý nghĩa nhất có thể như cho con bỏ ống lợn tiết kiệm từ đó hướng dẫn con biết quý trọng đồng tiền; quyên góp vào thùng từ thiện tại siêu thị để làm việc tốt…