Độ đèn có thể hiểu đơn giản là thay đổi cấu trúc và thành phần của đèn chiếu sáng giúp đèn có cường độ chiếu sáng lớn hơn, dải chiếu sáng rộng, dài hơn hoặc đơn thuần là đẹp mắt hơn.
Khi thay bóng đèn nguyên bản bằng loại đèn khác có cường độ sáng hơn, hoặc thay đổi cách chóa đèn gom và phản xạ ánh sáng (ví dụ như thay chóa phản xạ bằng projector - bi cầu), ánh sáng từ đèn ôtô sẽ chiếu sáng xa hơn và rộng hơn, đồng thời cường độ ánh sáng, đo bằng lumen, sẽ được tăng đáng kể. Điều này sẽ giúp tầm quan sát khi lái xe vào ban đêm sẽ được cải thiện, chủ phương tiện sẽ dễ dàng quan sát các chướng ngại vật trên đường.
Tuy nhiên, việc độ đèn vẫn có nhiều mặt hạn chế mà các chủ xe nên lưu ý khi quyết định thực hiện việc nâng cấp này cho phương tiện.
Phương tiện lưu thông trên đường phố tại Anh với phần đèn làm lóa mắt các tài xế ở hướng đối diện. Ảnh: RAC
Độ đèn là một trong những nâng cấp liên quan đến hệ thống điện của phương tiện. Nếu chọn loại đèn mới không đúng chuẩn hoặc có công suất lớn hơn định mức cho phép của nhà sản xuất, hệ thống cung cấp điện của xe (ắc-quy) sẽ không hoạt động đúng chuẩn và có thể gây ảnh hưởng đến các thành phần khác của xe, đặc biệt là rủi ro cháy, nổ.
Đồng thời khi độ đèn, phương tiện cũng sẽ bị hãng xe từ chối bảo hành. Hiện tại, hầu hết các hãng sẽ từ chối bảo hành khi người dùng thay đổi hoặc tác động đến các bộ phận trên xe không giống hiện trạng sản xuất ban đầu, trong đó có việc thay đổi hệ thống đèn, điện trên xe.
Mặt khác, khi lưu thông xe đã độ đèn vào trời tối, tài xế cũng có thể làm lóa mắt người điều khiển phương tiện ở hướng đối diện. Tài xế khác có thể gặp tai nạn vì không thể quan sát đường, và chính xe độ đèn cũng bị đặt vào trạng thái nguy hiểm nếu tài xế đối diện lao thẳng về phía đối diện.
Theo một khảo sát trong năm 2022 từ câu lạc bộ ôtô Hoàng gia Anh (RAC) trên 2.700 tài xế, có đến 88% số người được khảo sát đã cho rằng họ từng bị lóa mắt vì đèn xe hướng đối diện khi lưu thông trên đường, đồng thời 64% đồng ý rằng việc lóa mắt vì đèn xe là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn tông trực diện với phương tiện khác. Theo thông tin của chính phủ Anh, trong năm 2013 đã xảy ra 293 vụ tai nạn tại nơi đây, trong đó 6 trường hợp chết người với lý do chính là từ việc tài xế bị lóa mắt do đèn xe.
Khảo sát cũng chỉ ra 65% tài xế cho rằng họ cần đến 5 giây để thị lực hồi phục về mức bình thường sau khi bị lóa mắt vì đèn xe hướng đối diện.
Mẫu Audi A4 đời 2001-2005 đã được thay đổi bóng đèn bên trong chóa cầu. Ảnh: AutoBulbsDirect
Việc “độ” đèn xe ôtô có thể khiến các tính năng của đèn xe không thể hoạt động, ví dụ tính năng đèn pha thích ứng (adaptive headlights) giúp đèn xe “liếc” theo hướng đánh lái của vô-lăng, hoặc khả năng tự động tắt mở cụm đèn để tránh lóa mắt các phương tiện ở hướng đối diện. Đây là những tính năng thường xuất hiện trên các mẫu xe đời mới, giúp tăng tính an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường vào lúc trời tối.
Cuối cùng, độ đèn có thể sẽ khiến chủ xe bị cơ quan đăng kiểm từ chối cấp giấy chứng nhận kiểm định khi đến hạn. Nếu chỉ thay đổi đèn đúng với thông số nguyên bản của nhà sản xuất, tài xế vẫn sẽ được chấp nhận khi kiểm định, theo Cục đăng kiểm.