Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, sau phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Về định hướng xây dựng và hoàn thiện đề án trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, trong đề án cần thể hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu về đường sắt tốc độ cao đã được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương và Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Định hướng tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai, thay vì lập đơn vị mới (Ảnh minh họa: Đường sắt tốc độ cao Tây Ban Nha).
Bộ GTVT có thể huy động chuyên gia kỹ thuật, kinh tế trong và ngoài nước (nếu cần thiết), tổ chức các hội nghị chuyên đề để góp ý hoàn thiện đề án.
Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý tập trung vào luận giải sự phù hợp về định hướng, quan điểm, mục tiêu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; chứng minh để khẳng định một đất nước phát triển, có công nghiệp phát triển, thu nhập cao thì tất yếu phải có đường sắt tốc độ cao; việc đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện; Khẳng định quan điểm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h và thực sự trở thành trục “xương sống” theo Kết luận của Bộ Chính trị. Việc lựa chọn kịch bản đầu tư cần bảo đảm tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, khai thác với tốc độ cao, hiện đại, đồng bộ trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu vận tải, yêu cầu thị trường, mức độ an toàn; hiện trạng hệ thống đường sắt, so sánh vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác...
Bộ GTVT cũng cần làm rõ hiệu quả đầu tư, tính khả thi và các giải pháp về: Nguồn lực; chính sách, pháp luật phát triển đường sắt tốc độ cao; phát triển công nghiệp đường sắt; đào tạo nguồn nhân lực; cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận chuyển giao, từng bước làm chủ công nghệ...
Nghiên cứu phương án sửa đổi Luật Đường sắt trong đó có cơ chế thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao, hoặc nghị quyết riêng của Quốc hội về đường sắt tốc độ cao. Trong đó phải bao gồm đầy đủ các nội dung về hình thức đầu tư, phương án huy động vốn; thủ tục chuẩn bị, thực hiện đầu tư; chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp, quy hoạch đô thị...
Về mô hình quản lý và tổ chức khai thác, Phó Thủ tướng cho rằng, không nên thành lập tổ chức mới mà tận dụng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tái cơ cấu, hình thành doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Bên cạnh đó, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phương tiện, khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao khi đủ điều kiện vào thời điểm thích hợp.
Được biết, tuần trước, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với ông Masafumi Shukuri - Chủ tịch Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản (JTTRI), Chủ tịch Hiệp hội Đường sắt tốc độ cao quốc tế (IHRA). Dự kiến trong tháng 12, JTTRI sẽ tổ chức Hội thảo về cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Nội, tập trung vào thảo luận về lĩnh vực đường sắt, cảng biển và cảng hàng không.
Về công nghệ đường sắt tốc độ cao, ông Masafumi Shukuri cho biết việc chọn công nghệ phụ thuộc vào tốc độ khai thác và phương án chỉ khai thác chạy tàu khách, hay khai thác chung tàu khách và tàu hàng. Ông Masafumi Shukuri cho rằng, Việt Nam nên đầu tư đường sắt tốc độ cao chuyên khai thác chạy tàu khách.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, Việt Nam đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 60 tỷ USD, hoàn thành trước năm 2050. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là việc chọn phương án tốc độ khai thác, chỉ chạy tàu khách, hay kết hợp giữa tàu khách và tàu hàng; các phương án huy động tài chính. Do đó, phía Bộ GTVT mong muốn Nhật Bản xem xét hỗ trợ Việt Nam trong triển khai dự án này.